Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Trong khi Arabica duy trì đà giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp do triển vọng nguồn cung trở nên tích cực hơn tại Brazil, Robusta nối dài đà tăng sang tuần thứ 2 khi mưa lớn gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu hoạch và sản xuất cà phê tại Việt Nam.
Tồn kho đạt chuẩn Robusta tiếp tục giao động trong mức thấp trong vòng hơn 4 năm trở lại đây. Kết hợp với lực bán đang ở mức thấp của nông dân tại Việt Nam do giá chưa đạt được kỳ vọng của người bán có thể tiếp tục sẽ là nhân tố hỗ trợ giá.
Tuy vậy, thời tiết được dự báo sẽ trở nên khô ráo hơn tại vùng Tây Nguyên, nơi chiếm 95% sản lượng cà phê của Việt Nam. Điều này giúp hoạt động thu hoạch và sản xuất cà phê của quốc gia xuất khẩu Robusta số 1 thế giới được nối lại bình thường sau thời gian chịu ảnh hưởng xấu bởi mưa trước đó. Đây cũng có thể là nhân tố hạn chế đà tăng của giá.
Giá đồng có thể có nhịp điều chỉnh giảm khi thị trường đánh giá lại triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc
Mở cửa phiên đầu tuần ngày 16/01, giá đồng giảm nhẹ chấm dứt đà tăng của tuần trước. Dự báo giá đồng cả phiên hôm nay sẽ giảm do triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc suy yếu.
Theo số liệu mới công bố, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá nhà mới tháng 12 của Trung quốc giảm 0.2% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm tháng thứ 5 liên tiếp do dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù Chính phủ nước này đã đưa ra một loạt các biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, trụ cột kinh tế của nước này, tuy nhiên, nhu cầu tăng trưởng chậm vẫn cản trở sự phục hồi.
Hơn nữa, một loạt dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được Bloomberg dự báo sụt giảm, kéo theo sự suy yếu trong triển vọng nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp này. GDP Trung Quốc có thể tăng 1.6% trong quý IV so với 3.9% trong quý III. Doanh số bán lẻ có thể giảm 9% trong tháng 12 sau khi giảm 5.9% trong tháng 11. Trước đó, số liệu cũng cho thấy sản xuất công nghiệp tăng 0.1% trong tháng 12 so với năm trước, chậm hơn nhiều so với mức tăng 2.2% trong tháng 11.
Đồng thời, lo ngại dịch Covid cũng tăng cao trong giai đoạn nghỉ Tết khi người dân ồ ạt về quê ăn Tết. Trung Quốc mới đây đã báo cáo gần 60,000 ca tử vong do Covid-19 gây nên, làm gia tăng lo ngại về tính nghiêm trọng của dịch Covid-19. Hơn nữa, lượng tiêu thụ đồng cũng dự báo giảm khi các công ty lần lượt nghỉ Tết. Tồn kho đồng tại Trung Quốc đã tăng trong 03 tuần liên tiếp. Do đó, trước những thông tin này, dự báo giá đồng hôm nay sẽ có nhịp điều chỉnh giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ chững lại tại Trung Quốc, quốc gia tiêu dùng lớn nhất.
Tuy nhiên, xét trong dài hạn, động lực tăng của giá đồng vẫn còn. Theo Reuters, lượng dự trữ kim loại trên Sở giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) và Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm một nửa trong năm 2022, trong đó bao gồm cả đồng. Thêm vào đó, vấn đề nguồn cung đồng tại Peru liên tục gặp gián đoạn do bất ổn chính trị sẽ tiếp tục đe dọa tới nguồn cung cấp đồng toàn cầu, khi nước này là nơi sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, tạo động lực tăng cho giá đồng.
Giá dầu gặp áp lực bán chốt lời nhẹ, nhưng đà tăng nhiều khả năng vẫn sẽ trở lại trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, với khối lượng giao dịch mỏng hơn, lực bán chốt lời cũng sẽ được thúc đẩy mạnh sau khi giá dầu chạm kháng cự 80 USD/thùng, sau chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, cũng gây ra lo ngại gián đoạn ngắn hạn đối với các hoạt động kinh tế. Theo Uỷ ban Y tế Trung Quốc cho biết, quốc gia này đã ghi nhận gần 60,000 ca tử vong liên quan đến Covid trong khoảng thời gian từ ngày 8/12 đến ngày 12/1. Con số khổng lồ này khiến thị trường nghi ngại về khả năng phục hồi nhanh chóng trước đại dịch của quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu này. Các báo cáo trước đó của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy góc nhìn không chắc chắn về nhu cầu tại Trung Quốc, trong khi nhu cầu toàn cầu cũng sẽ gặp sức ép do lo ngại về tăng trượng chậm lại. Đây vẫn là một thách thức lớn đối với đà phục hồi của giá dầu.
Mặc dù vậy, kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư vẫn đang khá tích cực trong dài hạn. Trước đó, hãng tin Reuters cho biết các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đã mua thêm 4% lượng dầu thô trong tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với khoảng 11.3 triệu thùng/ngày, mức cao thứ 3 trong năm 2022. Hạn ngạch xuất khẩu được nới rộng, trong khi nguồn dầu đầu vào từ Nga hay Saudi Arabia đều đang ưu đãi đã thúc đẩy hoạt động lọc dầu. Trong khi đó, mức độ giao thông ở Trung Quốc đang tiếp tục tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục sau khi nới lỏng Zero- Covid, dẫn đến nhu cầu với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ mạnh mẽ hơn. Các công ty theo dõi dòng chảy cho biết, xuất khẩu dầu của Iran cũng đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2019, chủ yếu do sự tăng cường trong các chuyến hàng tới Trung Quốc và Venezuala, bất chấp những trở ngại trong quá trình đàm phán thoả thuận hạt nhân. Điều này vẫn sẽ là yếu tố giúp giá dầu tiếp nối động lực phục hồi.