Nguồn cung thép phế liệu của Trung Quốc đang tăng mạnh do số lượng các tòa nhà, cầu, xe ô tô cũ bị loại bỏ, tháo dỡ đang ngày càng tăng trong bối cảnh chính quyền đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất.
Điều này có thể kích thích các nhà máy sản xuất thép tăng cường sử dụng thép phế liệu trong vài năm tới, đồng nghĩa với khả năng nhu cầu quặng sắt của quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới có thể sẽ giảm.
Việc nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc suy yếu sẽ là một cú sốc rất lớn đối với nhiều "gã khổng lồ" ngành khai khoáng trên thế giới vốn đang xuất khẩu hàng trăm triệu quặng sắt sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Theo chuyên gia phân tích Daniel Meng đến từ công ty môi giới CLSA có trụ sở tại Hong Kong nhận định "Về trung hạn, thép phế liệu sẽ là mối đe dọa lớn đối với quặng sắt. Chúng tôi tin tưởng rằng đến năm 2020, quá trình thay thế (từ quặng sắt sang thép phế liệu) sẽ diễn ra nhanh hơn đồng thời mối đe dọa đối với quặng sắt càng trở nên nghiêm trọng hơn".
Hiện tại, lượng thép sản xuất từ thép phế liệu của Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng 11% trong khi con số này ở Mỹ là 70%. Điều này cho thấy, vẫn còn rất nhiều "khoảng trống" cho Trung Quốc bắt tay vào tập trung vào việc tái chế thép.
Trung Quốc hiện đang sở hữu một khối lượng thép phế liệu dồi dào sau khi Bắc Kinh quyết định đóng cửa các nhà máy luyện kim hoạt động kém hiệu như một động thái nhằm bảo vệ môi trường, làm sạch không khí. Thông thường, các nhà máy này sử dụng thép phế liệu.
Việc đóng cửa các nhà máy với tổng công suất sản xuất khoảng 120 triệu tấn này đã nâng lượng xuất khẩu sắt phế liệu trong tháng 5 lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Năm ngoái, lượng thép phế liệu mà Trung Quốc thải ra đạt mức kỷ lục 143 triệu tấn, tăng gần 4 lần so với năm 2002, dữ liệu từ CLSA và Hiệp hội Thép thế giới cho hay. Con số này càng chứng tỏ khả năng thép phế liệu có thể thay thế cho 200 tấn quặng sắt (tương đương 1/5 lượng quặng sắt Trung Quốc nhập khẩu năm ngoái) hoàn toàn có thể xảy ra.
Đến năm 2020, con số 143 triệu tấn có thể được đẩy lên ngưỡng 200 triệu tấn, Hiệp hội Sử dụng Kim loại Phế liệu cho hay. Phần lớn thép của Trung Quốc được sản xuất từ lò cao thông qua việc nung chảy quặng sắt sau đó pha lẫn với thép phế liệu.
Do giá thép phế liệu ST-SCCNDHV-MB giảm 20% trong tháng 5 so với đỉnh năm ngoái, các nhà máy luyện kim tăng cường sử dụng loại nguyên liệu này từ mức 8% lên 20%, các nhà đầu tư và các nhà máy cho hay. Kết quả là, do nhu cầu thép phế liệu tăng trong tháng Sáu, một số thương gia mặt hàng này cho biết lợi nhuận họ thu về đã tăng gấp đôi.
Các nhà máy sử dụng lò hồ quang điện sẽ là những nhân tố quan trọng trong việc đẩy mạnh nhu cầu tái chế thép phế liệu. Hiện tại, công suất sản xuất của các nhà máy này khoảng 100 triệu tấn. Các chuyên gia dự báo, trong vòng 3 năm tới, sản lượng có thể tăng thêm 10-20 triệu tấn.
Đông thời, theo ông Guo Xianzhen, phó tổng giám đốc tập đoàn thép Anyang Steel Group nhận định trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 sẽ có thêm 60 lò hồ quan điện và sẽ tăng thêm 20 lò trong năm 2018.
Tuy nhiên, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ 4 thế giới Fortescue Metals Group lại tin rằng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc sẽ chưa thể giảm "một sớm một chiều" do nguồn cung thép phế liệu của quốc gia này thường gắn liền với số lượng xe ô tô trên toàn quốc. Trong khi đó, số lượng xe ô tô vẫn còn ở mức thấp so với dân số khổng lồ của quốc gia này.
"Hiện tại, số lượng xe ô tô tính trên đầu người ở Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở mức 140 xe/1000 người trong khi con số này ở Australia và ở Mỹ là 700 xe/1000 người".
Một số công ty khai thác quặng sắt lớn khác trên thế giới như Vale, Rio Tinto và BHP từ chối bình luận trước triển vọng thép phế liệu ở thị trường Trung Quốc sẽ lên ngôi.
Hồi giữa tháng 6, trước triển vọng ảm đạm của thị trường quặng sắt, ngân hàng Citi Bankđiều chỉnh mức dự báo diễn biến giá quặng sắt trong vòng 12 tháng tới với giá quặng sắt giao ngay giảm xuống còn 48 USD USD/tấn trong quý IV/2017 và 46 USD trong quý I/2018.
 Nguồn: ndh.vn