Phát biểu tại diễn đàn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, thực phẩm sạch là một thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng phát triển đối với những người sản xuất, kinh doanh, bởi hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng gia tăng.
Song Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng phải thừa nhận rằng: “Chúng ta có nhiều mô hình làm thực phẩm sạch hay nhưng sự kết nối còn yếu, chính vì vậy, thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng còn chưa nhiều.”“Đầu tàu dẫn dắt”
Đánh giá thực tế này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, việc quan trọng hiện nay để đưa thực phẩm sạch đến với người dân là cần tăng tính kết nối những sản phẩm an toàn có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước đến người tiêu dùng và kết nối những sản phẩm từ những doanh nghiệp làm ăn chân chính đến với người dùng.Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay là chưa tìm được “đầu tàu” dẫn dắt chuỗi giá trị.
“Đầu tàu ở đây chính là các doanh nghiệp tư nhân năng động, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Do đó cần đẩy mạnh vai trò của kinh tế tư nhân, biến họ thành ‘đầu tàu’ của chuỗi giá trị nông nghiệp,” Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, câu chuyện đầu tư nói chung và đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là phải giải quyết các vấn đề đầu vào, kích được thị trường, vốn và có đất đai ổn định. Từ đó doanh nghiệp sẽ nắm được tín hiệu thị trường tốt nhất và quay lại kết nối với nông dân.
“Phải thay đổi tư duy”
Theo bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH, để có thực phẩm sạch, trước hết cần phải thay đổi tư duy.

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta không tự tin vào sản phẩm nông nghiệp mình sản xuất ra, những gì mình đang ăn… bởi xã hội có quá nhiều lo lắng về an toàn thực phẩm,” bà Thái Hương nói.

 

 Thảo luận mở: "Người sản xuất thực phẩm sạch phải đối mặt những thách thức nào từ chính sách và thực tiễn?" (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Do đó, bà Thái Hương cũng bày tỏ mong muốn vào cuộc để xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm, tạo dựng niềm tin về thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam.
“Nếu không có tư duy vượt trội ‘đứng trên vai những người khổng lồ’ như cường quốc nông nghiệp Israel, thì TH không thể có thành quả nhanh chóng như vậy. Chúng tôi không những thuê chuyên gia Israel sang làm việc cho TH mà còn thuê cả nông dân Israrel sang làm trong trang trại,” bà Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, Việt Nam có sẵn đồng đất, nhưng cái thiếu lớn nhất là thiếu tư duy vượt trội, thiếu công nghệ cao trong nông nghiệp.
Bà Hương chỉ rõ, chúng ta vẫn có thể canh tác thủ công để tạo nên thực phẩm sạch nhưng để cung cấp thực phẩm sạch cho hơn 90 triệu dân với giá hợp lý, thì cần phải những trang trại lớn, đầu tư công nghệ đầu cuối hiện đại của thế giới, vận hành theo quy trình nghiêm ngặt của vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Tôi nghĩ rằng, bất cứ ai muốn làm thực phẩm sạch mà không có tư duy vì cộng đồng, chỉ nghĩ lợi nhuận là trên hết thì người đó sớm hay muộn cũng thất bại,” bà Hương khẳng định.
Vì vậy, theo bà Hương, những doanh nghiệp, những cá nhân chân chính phải có trách nhiệm làm ra thực phẩm sạch và gắn lợi ích doanh nghiệp hài hòa với lợi ích cộng đồng.
Minh bạch thông tin
Bên cạnh đó, doanh nhân Thái Hương cũng chỉ rõ, yếu tố cốt tử đầu tiên để một doanh nghiệp có thể thành công trong lĩnh vực thực phẩm sạch là phải minh bạch.

 

Người dân lựa chọn sản phẩm an toàn tại cửa hàng. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)
“Sở dĩ người tiêu dùng Việt Nam đang mất niềm tin vào thực phẩm sạch là vì họ không biết thực phẩm ấy có sạch không. Người tiêu dùng cũng không nắm được quy trình sản xuất của doanh nghiệp nên họ thiếu niềm tin. Do đó việc minh bạch thông tin chính là yếu tố xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng,” doanh nhân Thái Hương chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng IPSARD cho rằng, tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được bình chọn từ chính ý kiến của người tiêu dùng. Điều này cho thấy sức mạnh của người tiêu dùng, chỉ có sản phẩm thực sự tốt, có chất lượng mới có thể tồn tại được trên thị trường.

 “Qua khảo sát, người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng trả giá ở mức cao hơn để được mua thực phẩm an toàn. Vậy không có lý gì chúng ta không phát triển nền nông nghiệp an toàn có giá trị cao. Đã đến lúc phải đưa toàn bộ hệ thống sản xuất của nước ta phải là hệ thống sạch, minh bạch và đúng theo một tiêu chuẩn duy nhất,” Tiến sỹ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

Nguồn: Vietnamplus.vn