Kỳ I: Điểm sáng trong “bão” Covid-19
EVFTA dự kiến được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp tới đây và có hiệu lực vào tháng 7/2020. Điều đó có nghĩa, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội rộng mở hơn.
Gấp rút hoàn thiện thủ tục
Trong cuộc điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh - cho biết, hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã được Chính phủ trình lên Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội thảo luận và phê chuẩn ngay trong phiên làm việc của Quốc hội Việt Nam vào tháng 5/2020.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA.
Về phía EU, ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Như vậy, chỉ cần chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định, thì EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), mở ra cơ hội cho DN Việt thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU.
“Cú huých” xuất khẩu và thu hút đầu tư
Theo nhận định của các chuyên gia, việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ, sẽ sớm giúp DN vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất tốt hơn. Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, từ đó bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: “Ở góc nhìn thời hậu dịch và nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế Việt Nam. Đây là thời điểm mọi sự chuẩn bị vẫn phải được nhắc đến để tận dụng cơ hội tốt nhất, cả từ phía Chính phủ”.
Nhận định về những cơ hội mà EVFTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh - cho rằng, EVFTA giúp ta có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA sẽ là “cú huých” lớn cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, xuất khẩu tăng là hiệu ứng đầu tiên, dễ nhận biết nhất nhưng cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, cả từ trong nước và từ nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực sản xuất mới là hiệu ứng được trông đợi nhất, bởi nó sẽ giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn.“Nhiệm vụ của ta là, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng, về nhân lực, về cơ chế... để đón dòng đầu tư này”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng khẳng định, trong khi tất cả chúng ta đang trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, EVFTA là một bước thay đổi dài hạn trong quan hệ giữa EU và Việt Nam, kỳ vọng sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Tuy nhiên, ông Nicolas Audier cho rằng, ngay bây giờ, các bên cần bảo đảm việc triển khai Hiệp định diễn ra suôn sẻ để DN và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định mang lại.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% dòng thuế từ Việt Nam và nâng lên 99% dòng thuế sau 7 năm; trong khi Việt Nam xóa bỏ ngay 48,5% dòng thuế cho hàng hóa EU trong năm đầu tiên và nâng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm.
Kỳ II: “Liều thuốc” trợ lực