Dư địa còn rất lớn
Tại Tọa đàm Tăng kết nối hỗ trợ DN tận dụng Hiệp định EVFTA diễn ra mới đây, ông Ngô Chung Khanh-Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch xuất khẩu rất tích cực, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU tăng hai con số là một kết quả rất đáng khích lệ ngay sau khi EVFTA được thực thi. Nhưng nhìn tổng thể trên cơ hội từ EVFTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, tỷ trọng xuất khẩu sang EU tăng chưa tương xứng và thương hiệu hoá Việt Nam tại EU vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy, dư địa thị trường EU còn rất lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thị trường EU không phải là thị trường mới của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam không phải quá xa lạ với EU. Điểm mới ở đây chính là kể từ tháng 8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng dương trong khi 6 tháng trước đó đang tăng trưởng âm. Chuyển biến rất ấn tượng nhờ tận dụng các ưu đãi từ EVFTA. Từ lúc tỉ lệ tận dụng hiệp định một con số trong giai đoạn đầu, thì nay trung bình là hơn 30%. So với với nhiều FTA khác, tỷ lệ tận dụng này không phải là nhỏ, tốc độ thay đổi tỷ lệ tận dụng EVFTA nhanh nhất.
Song, ông Võ Trí Thành đánh giá, nhìn vào tổng thể, mức tăng vào thị trường EU năm nay chưa phải là bứt phá. Trong thị trường này, các đối tác truyền thống vẫn là nơi Việt Nam xuất khẩu vào, một số mặt hàng dư địa xuất khẩu cao nhưng chưa tận dụng triệt để. Hơn nữa, vấn đề tận dụng, gắn kết thương mại với thu hút đầu tư vào châu Âu chưa được như mong muốn.
Ông Tô Hoài Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia bên ngoài EU, điều này tạo nên thách thức liên quan đến xuất xứ hàng hoá khi muốn tiếp cận thị trường EU. Đồng thời, quy định về xuất xứ hàng hoá, về an toàn vệ sinh đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu sang EU, trong đó doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận tốt hơn nhưng sẽ rất thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhìn vào tổng thể, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên phân tích, hiện tỷ lệ doanh nghiệp, địa phương tận dụng hiệu quả EVFTA còn khiêm tốn, một trong những nguyên nhân quan trọng là sự kết nối giữa các chủ thể liên quan bao gồm các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân còn tương đối hạn chế.
Ở cấp độ doanh nghiệp, còn tâm lý ngại xuất khẩu sang EU do chưa đủ năng lực vì thiếu vốn, công nghệ...
Tăng cường hỗ trợ kết nối doanh nghiệp
Theo ông Ngô Chung Khanh, về các biện pháp hỗ trợ, trong kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ, bộ, ngành… đều có mục quan trọng đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng EVFTA. Song Bộ Công Thương nhận thấy, hầu hết các tỉnh, thành đều có báo cáo biện pháp hỗ trợ rất chung chung, dẫn tới thực trạng là doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi ích từ EVFTA. Các biện pháp hỗ trợ còn dàn trải, chưa tập trung vào các ngành có thế mạnh và thực sự muốn tận dụng cơ hội từ EVFTA. Đặc biệt, tính kết nối trong chuỗi giá trị còn nhiều bất cập. Chỉ riêng kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, muốn đứng vững trên thị trường EU, một mình doanh nghiệp không làm được mà phải bằng định hướng chiến lược rõ ràng. Chính phủ cần có thiết chế bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia thương mại quốc tế. Cùng đó, Bộ Công Thương cần thiết kế chính sách làm sao tạo động lực lớn hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là giúp họ có động lực chấp nhận chỉ số rủi ro lớn hơn khi bước vào sân chơi kinh tế thế giới. Với vai trò chủ trì thực hiện chính sách, kế hoạch thực thi EVFTA, ngành Công Thương cần đảm đương được công tác tuyên truyền một cách hiệu quả, phải điều tra, khảo sát một cách khoa học, tỉ mỉ để cung cấp thông tin hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp về EVFTA.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại Đa biên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Cổng thông tin về FTA đã được xây dựng và triển khai. Tuy nhiên, làm thế nào để có đầy đủ thông tin, cung cấp được thông tin về từng lĩnh vực, ngành hàng mà doanh nghiệp cần thì cần thêm thời gian, nguồn lực. Ngoài ra, từ thực tế tận dụng EVFTA của doanh nghiệp, vì nguồn lực hỗ trợ có hạn, do vậy, ông Ngô Chung Khanh đề xuất, mỗi địa phương xác định một đến hai mặt hàng trọng tâm để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, kết nối, để tối đa hoá được lợi ích của Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án. FTA Index được xây dựng với mong muốn tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương, giúp cho các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, vào cuộc hỗ trợ tích cực hơn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA.
Với kế hoạch đề ra, dự kiến khi FTA Index triển khai, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tuyên truyền cho địa phương, doanh nghiệp nhằm gia tăng cơ hội khai thác, tận dụng hiệu quả các FTA.