Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Nhằm quảng bá các dịch vụ logistics của Việt Nam, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tới các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng trong và ngoài nước ngay tại Việt Nam, lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022) diễn ra từ ngày 13 -16/04/2022, Cục Xúc tiến thương mại đồng hành cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Khu gian hàng ‘Dịch vụ Logistics Việt Nam”.
Tham gia Khu gian hàng “Dịch vụ Logistics Việt Nam” gồm 6 doanh nghiệp hoạt động năng động trong lĩnh vực logistics: Công ty Cổ phần VINAFCO, Công ty TNHH Toàn cầu Khải Minh, Công ty TNHH Knight Logistics, Công ty Logistics – Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty CP Logistics U&I, Công ty Cổ phần Tiếp vận Avina (tại khu vực các gian hàng số 112, 113, 114, 125, 126, 127 của Hội chợ). Các doanh nghiệp giới thiệu tại hội chợ đa dạng các dịch vụ logistics như: Dịch vụ đóng gói, chứng từ xuất nhập khẩu, hải quan, vận tải đa phương thức, kho bãi, v.v…
Các doanh nghiệp tham gia Khu gian hàng “Dịch vụ Logistics Việt Nam” được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư để từ đó đem đến những cơ hội phát triển kinh doanh thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần tạo nên nhiều giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, hỗ trợ ngành dịch vụ logistics Việt Nam non trẻ sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, năm 2022, ngành Logistics Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực về sự phát triển, tuy nhiên, khó khăn và những nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn. Theo đó, sự tắc nghẽn của vận tải đường bộ, thiếu hụt container, thiếu chỗ và giá cả “leo thang” của vận tải đường biển cũng như sự tăng trưởng bùng nổ của vận tải hàng không sẽ dần được giải quyết, các phương thức vận tải sẽ quay về đúng giá trị khi dịch bệnh Covid-19 dần được khống chế trong năm 2022.
Về triển vọng phát triển của ngành trong năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đánh giá, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tạo xung lực cho ngành dịch vụ logistics phát triển dựa trên các yếu tố: Một là, kinh tế thế giới và Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích tăng trưởng. Hai là, Nghị quyết 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm sóat hiệu quả dịch Covid-19” đang là động lực cho kinh tế khôi phục và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, để tận dụng cơ hội để phát triển, các doanh nghiệp logistics cần chủ động gắn kết, phối hợp hiệu quả với nhau, tìm ra những lời giải ở góc độ chính sách và thực tiễn để tối ưu hóa mọi giải pháp trong phạm vi có thể. Các doanh nghiệp cần năng động trong việc lựa chọn hướng đi và phương án đối phó phù hợp; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường liên kết, hợp tác với nhau; tính toán hợp tác với các công ty lớn để có thể thích ứng linh hoạt, tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển.
Việc tham gia Khu gian hàng “Dịch vụ Logistics Việt Nam” tại Vietnam Expo 2022 sẽ là một trong những phương thức hiệu quả để các doanh nghiệp khẳng định vị thế mình trên bản đồ phát triển ngành Logistics Việt Nam.
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam – Viet Nam Logistics Business Association (VLA), tiền thân là Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam - Viet Nam Freight Forwarders Association- (VIFFAS) được thành lập ngày 18 tháng 11 năm 1993. Hiệp hội là Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp và các công dân Việt Nam trong hoạt động thương mại giao nhận kho vận, dịch vụ logistics.
Tầm nhìn: Liên kết, hợp tác những nhà cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, logistics trong và ngoài nước nhằm kiến tạo vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Sứ mệnh: Nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển dịch vụ logistics hiện đại, kết nối logistics khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp trong ngành cũng như phát triển kinh tế đất nước Việt Nam.
Đến hết tháng 3-2022, VLA có gần 600 Hội viên bao gồm các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như Transimex, Tân Cảng SNP, Gemadept, Sotrans…..; các doanh nghiệp FDI như DHL, Palnapina… hoạt động trên khắp cả nước. VLA là thành viên chính thức của Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) và Hiệp hội giao nhận vận tải ASEAN (AFFA).
Hiệp hội VLA có 2 tổ chức trực thuộc Hiệp hội đang hoạt động là Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) cùng Tạp chí chuyên ngành Vietnam Logistics Review (VLR).