Hàn Quốc muốn tham gia vào Hiệp định CPTPPBộ Công Thương lưu ý nguyên tắc Ratchet của Hiệp định CPTPPXuất khẩu đồ gỗ sang Canada: Lực đẩy từ Hiệp định CPTPP
Việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiếp tục ghi nhận mang lại những kết quả tích cực, nhất là đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, 5 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 34,1% và xuất khẩu sang Úc đạt khoảng 2,3 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng xuất khẩu sang Nhật Bản đạt khoảng 9,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện đây là thị trường xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam trong khối này.
Các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 21,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt khoảng 9,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Nhật Bản cũng là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong các nước thành viên CPTPP. Ngoài ra, nhập khẩu từ Mexico đạt khoảng 352, triệu USD, tăng 70,8% và nhập khẩu từ Úc đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến thời điểm này, Hiệp định CPTPP (có hiệu lực từ tháng 1/2019) đã đi qua chặng đường 3 năm đầu thực thi. Bộ Công Thương nhận định, trong 3 năm qua, kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung và thương mại giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn. Đáng kể như năm 2019 thương mại quốc tế bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc; cùng với đó là xung đột thương mại ở nhiều khu vực trên thế giới, sự suy giảm tương ứng của nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp các khó khăn, năm 2019, năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của việt Nam sang thị trường các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD.
Năm 2020 dưới tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ, đạt 38,75 tỷ USD, nhưng bước sang năm 2021 đã lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu của các nước. Cụ thể, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 91,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc - thiết bị, điện thoại – linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP với giá trị 46 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 45,4 tỷ USD. Trong đó, các thị trường xuất khẩu đạt giá trị lớn gồm: Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chi Lê.
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, 3 năm qua các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng khá hiệu quả lợi thế của CPTPP để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường thành viên trong khối. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cũng đã chỉ ra: Khác với khu vực liên minh châu Âu (EU), thị trường xuất khẩu tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP đặc biệt là các nước châu Mỹ như: Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới. “Trước khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này còn khiêm tốn, nhưng kể từ khi có CPTPP đã tăng lên đáng kể. Điều này phản ánh các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả FTA này để đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Hải phân tích.
Mặc dù có những lợi thế nhất định, song nguồn lực của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là vừa phải trải qua những tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Mặt khác, yêu cầu, đòi hỏi của thị trường về thực hiện các cam kết, chất lượng hàng hóa khắt khe. Do vậy, thời gian tới, giới chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần tăng tính chủ động trong tìm hiểu, đáp ứng tốt nhất quy định về quy tắc xuất xứ; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông, thủy sản. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát văn bản liên quan, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường truyền thông xúc tiến thương mại, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp từng bước cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm 2022, CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan. Đây chính là cơ sở giúp các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu. 

Nguồn: Bảo Thoa/congthuong.vn