Theo số liệu của Asian Metal – tổ chức chuyên nghiên cứu và báo giá các nguyên tố trong đó có đất hiếm, giá đất hiếm nhóm AM-CN-DYMET (sử dụng trong sản xuất nam châm, đèn công suất cao và thanh điều khiển hạt nhân) hiện đạt 2.025 CNY (292,98 USD)/kg, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015, tức là tăng gần 14% so với thời điểm 20/5/2019 - ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy đất hiếm, làm dấy lên đồn đoán rằng đây sẽ là "mặt trận" quan trọng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Giá đất hiếm nhóm neodymium AM-CNF-NDMTL, được sử dụng trong sản xuất một số loại nam châm dùng trong động cơ và tuabin, cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2018 là 63,25 USD/kg, tức là tăng khoảng 30% kể từ ngày 20/5/2019.
Đất hiếm nhóm oxit gadolinium AM-CN99-GDOX, được sử dụng trong các thiết bị hình ảnh y tế và pin nhiên liệu, cũng tăng 12,6% kể từ ngày 20/5/2019, hiện đạt 192.500 nhân dân tệ/tấn, cao nhất trong vòng 5 năm.
Trung Quốc xem xét tăng cường kiểm soát xuất khẩu
Thông tin từ một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết, nước này sẽ xem xét tăng cường kiểm soát đất hiếm – thứ kim loại gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong sản xuất các thiết bị quân sự và điện tử tiêu dùng (công nghệ cao) – để bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn "tài nguyên chiến lược này".
Được biết, Trung Quốc cung cấp 80% tổng khối lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2014 – 2017. Căng thẳng thương mại giữa 2 bên làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng kim loại này như một vũ khí chống lại Mỹ.
Mỹ nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung
Mặc dù trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 toàn cầu, nhưng lại chiếm tới 80% lượng nhập khẩu vào Mỹ. Đó là động lực thúc đẩy Washington đa dạng hóa nguồn cung cấp sang các nước khác.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết nước này sẽ có "những hành động chưa từng có tiền lệ" để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản chiến lược và đất hiếm, đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực công nghệ và quân sự.
Các hành động được đề xuất trong báo cáo này bao gồm cải thiện nguồn cung khoáng sản chiến lược và đất hiếm thông qua hoạt động đầu tư và thương mại với các đồng minh, tạo điều kiện cho phép các hoạt động khai mỏ ở Mỹ, bao gồm cả những vùng đất thuộc sở hữu liên bang.
Báo cáo cũng liệt kê một kế hoạch cải thiện bản đồ và thu thập dữ liệu để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khai khoáng trong nước.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã có cuộc hội đàm với công ty Mkango Resources Ltd MKA.V của Malawi và một số công ty khai thác đất hiếm khác trên toàn cầu về nội dung cung cấp đất hiếm. Đây là một phần của kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm giữa bối cảnh Trung Quốc dọa sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Hồi tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ và các cơ quan chính phủ tìm các nguồn cung khoáng sản quan trọng thay thế để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
 

Nguồn: Vinanet