Trên sàn giao dịch Chicago, hợp đồng chuẩn giao tháng 9 của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch buổi sáng với mức tăng 1,9% lên 741 CNY (tương đương 109,50 USD)/tấn, kéo dài đà tăng lên phiên thứ tư liên tiếp.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao dịch nhiều nhất trong tháng 9 đã giảm 1,2% xuống 110,80 USD/tấn, xuống mức thấp nhất trong phiên là 108,40 USD, khi có tin tức về quỹ cứu trợ các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trở lại vào tháng 6, được củng cố do việc nối lại hoạt động tại các trung tâm sản xuất lớn, mặc dù những lo lắng về sự trở lại của COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy trong thời gian gần đây.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải giá thép thanh tăng 1,2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,5%. Giá thép không gỉ giảm 1,1%. Trên sàn Đại Liên giá than luyện cốc tăng 1,7% và than cốc tăng 1,9%.
Trong khi có nhiều dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế đối với Trung Quốc xuất hiện, thì sự thận trọng chiếm ưu thế do lo ngại về một cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản của nước này, bất chấp quỹ cứu trợ của Trung Quốc được báo cáo lên tới 300 tỷ CNY.
Theo thông tin, vào cuối tháng 7 này, Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc sẽ họp nghiên cứu tình hình kinh tế hiện nay và triển khai công tác kinh tế nửa cuối năm. Thị trường có những kỳ vọng nhất định cho cuộc họp sắp tới này.
Theo thống kê của SMM, tính đến ngày 26/7, có 74 lò cao đang được bảo trì ở Trung Quốc, với khối lượng tích lũy là 88.480 m³, ảnh hưởng đến tổng cộng khoảng 280.000 tấn gang mỗi ngày, giảm 11.000 tấn mỗi ngày so với vào ngày 25/7.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 12 lò cao tiếp tục sản xuất, đạt sản lượng gang tổng hợp là 58.000 tấn/ngày, và dự kiến sẽ có nhiều lò cao nữa hoạt động trở lại.
Theo dữ liệu của SMM, 12,41 triệu tấn quặng sắt đã cập cảng Trung Quốc từ ngày 18/7 đến ngày 24/7, tăng 930.000 tấn so với ghi nhận trước đó và tăng 670.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: VINANET/VITIC/Reuters