Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố ngày 12/1 cho biết, nhập khẩu dầu thô tăng 11% vào năm 2023 so với năm trước lên 11,3 triệu thùng/ngày trong bối cảnh nước này mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi chấm dứt chính sách Zero COVID nghiêm ngặt.
Điều này đã làm lu mờ con số kỷ lục trước đó là 10,81 triệu thùng/ngày thiết lập trong năm 2020. Về mặt khối lượng, nhập khẩu dầu mỏ trong năm 2023 cao hơn 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2022.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng 1,8 triệu thùng/ngày từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Nhập khẩu và tổng nhu cầu không giống nhau, nhưng việc xem xét các yếu tố khác tác động lên thị trường dầu thô Trung Quốc không mang lại nhiều hỗ trợ cho quan điểm tăng giá.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng dầu trong nước của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc cũng đang tiếp tục bổ sung dầu thô vào kho dự trữ thương mại hoặc chiến lược, với ước tính 670.000 thùng/ngày chảy vào các bể chứa trong 11 tháng đầu năm.
Nước này không tiết lộ khối lượng dầu thô chảy vào hoặc ra khỏi kho dự trữ chiến lược và thương mại, nhưng có thể ước tính bằng cách trừ đi lượng dầu thô đã qua chế biến từ tổng lượng dầu thô có sẵn từ nhập khẩu và sản lượng trong nước.
Trong 11 tháng đầu năm, tổng lượng dầu thô sẵn có là 15,45 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng lọc dầu là 14,78 triệu thùng/ngày.
Yếu tố cuối cùng là xuất khẩu các sản phẩm từ dầu thô (như xăng, dầu diesel…) của Trung Quốc, đã tăng 16,7% trong năm 2023 lên 62,7 triệu tấn, tương đương khoảng 1,37 triệu thùng/ngày.
Đây là mức cao nhất kể từ năm 2019 và cũng cao hơn khoảng 190.000 thùng/ngày so với mức ghi nhận vào năm 2022.
Tổng hợp tất cả yếu tố lại với nhau cho thấy rằng trong khi Trung Quốc nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục, nước này cũng thúc đẩy xuất khẩu nhiên liệu. Đồng thời khối lượng dầu thô chảy vào kho dự trữ cũng cao. Điều này trái với những dự báo lạc quan về thị trường nội địa Trung Quốc sẽ tiêu thụ lượng xăng dầu đột biến trong năm 2023.
Nhu cầu than và quặng sắt tăng mạnh
Nhập khẩu than của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2023, tăng 61,8% so với năm trước đó đạt 474,42 triệu tấn.
Trong khi nhu cầu điện của Trung Quốc tăng lên, việc nhập khẩu than tăng mạnh có liên quan nhiều hơn đến các yếu tố có thể chỉ mang tính chất tạm thời.
Sản lượng nhiệt điện tăng do thủy điện gặp khó. Theo đó, sản lượng thuỷ điện giảm 7,1% trong 10 tháng đầu năm.
Giá than nhiệt vận chuyển qua đường biển cũng giảm mạnh vào năm 2023, khiến loại than này trở nên cạnh tranh hơn so với ngành khai thác trong nước vốn phải chịu áp lực tăng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.
Trong năm 2024, nhiều khả năng sản lượng thủy điện sẽ tăng cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió và mặt trời, điều này có thể hạn chế sự gia tăng nhu cầu về than nhiệt.
Quặng sắt là mặt hàng nhập khẩu bất ngờ của Trung Quốc vào năm 2023, với lượng nhập khẩu tăng 6,6% kể từ năm 2022 và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,18 tỷ tấn.
Nhập khẩu quặng sắt tăng bất chấp ngành bất động sản gặp khó khăn, khiến hoạt động xây dựng bị thu hẹp và nhu cầu thép giảm theo. Ngoài ra, ngành bất động sản đi xuống cũng góp phần khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 khiêm tốn, khoảng 5,4%.
Tuy nhiên, sản lượng thép Trung Quốc ước tính sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 do các lĩnh vực khác hoạt động tốt, bao gồm sản xuất phương tiện, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu sản phẩm thép.
Bên cạnh đó, nước này cũng đẩy mạnh việc xuất khẩu thép, đặc biệt là thép xây dựng trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu.
Câu hỏi cho năm 2024 là liệu Trung Quốc có tiếp tục sản xuất khối lượng thép lớn hay không? Câu trả lời là nền kinh tế có khả năng tăng trưởng đủ để sử dụng nhiều thép hơn, nhưng không đủ để thúc đẩy sản xuất tăng đột biến.
Điều này có nghĩa là nhập khẩu quặng sắt có thể tăng trưởng ở mức độ khiêm tốn. Tuy nhiên, ngay cả khi nếu tăng trưởng nhẹ, lượng nhập khẩu quặng sắt năm 2024 sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới.