Giá đồng được giao dịch ngày 27/5 tăng do công nhân ở mỏ đồng Escondida và Spence của BHP (Chiel) - mỏ lớn nhất thế giới - đang lên kế hoạch đình công, đe dọa làm cho nguồn cung đồng vốn đã khan hiếm sẽ sụt giảm thêm nữa.
Kết thúc phiên, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 9.980 USD/tấn. Nhà phân tích đồng Jonathan Barnes của Roskill cho biết: "Nếu cuộc đình công này xảy ra tại các mỏ Spence và Escondida, thì đó sẽ là một vấn đề đối với thị trường".
Ông cho biết những rủi ro khác đối với nguồn cung ở Nam Mỹ bao gồm sự không chắc chắn về hiến pháp mới ở Chile và chi phí quyền khai thác ở đó.
USD thấp nhất 5 tháng càng hỗ trợ đẩy giá đồng tăng lên.
Hầu hết, giá các kim loại khác được gió dịch trong ngày 27/5 cũng tăng theo giá đồng: Nhôm tăng 1,3% lên 2,402 USD/tấn, giá kẽm giảm 0,3% xuống 2,973 USD, chì tăng 0,8% lên 2,172 USD, giá thiếc tăng 0,8% lên 29,690 USD và nikel tăng 1,4% lên 17,270 USD.
Các nhà phân tích dự báo giá đồng sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế toàn cầu mà dẫn đầu là Trung Quốc có những dấu hiệu thoát khỏi tình trạng suy giảm do đại dịch, dù một số nhà đầu tư dài hạn kiên định đứng ngoài xu hướng này.
Nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Corporation Global Research, Takayuki Honma, cho biết việc đồng tăng giá là điều đã được lường trước và giá kim loại này vượt ngưỡng 10.000 USD/tấn được cho chỉ là chuyện sớm muộn.
Đại dịch đã không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu, chủ yếu nhờ đà phục hồi mạnh của Trung Quốc.
Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm một nửa sản lượng của toàn cầu. Lượng nhập khẩu đồng chưa qua chế biến và thành phẩm của nước này trong bốn tháng 1-4/2021 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Emori Fund Management của Nhật Bản, Tetsu Emori, cho rằng gần như không có lý do để giá đồng giảm. Ông nhấn mạnh rằng đồng đang trở thành một hàng hóa hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là khi các nước lớn đang nỗ lực phi carbon hóa, điều được cho là sẽ làm tăng nhu cầu đối với xe điện cũng như các trang trại điện gió và điện Mặt Trời.
Đồng chủ yếu được sử dụng để sản xuất cáp điện và không thể thiếu đối với các nhà xây dựng cơ sở hạ tầng. Kim loại này được cho là có khả năng dự báo tốt về tình hình kinh tế toàn cầu.
Đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã đưa đến sự tăng giá mạnh của nhiều loại hàng hóa trong bối cảnh đại dịch. Chỉ trong một năm, giá quặng sắt tăng 78% và giá gỗ xẻ tăng gấp ba. Giá các kim loại khác như ni-ken và nhôm cũng tăng.
Nhiều nhà phân tích nhận định giá đồng không thể giảm xuống dưới 8.000 USD/tấn.
Goldman Sachs ước tính nhu cầu đồng sẽ tăng gần 600%, lên 5,4 triệu tấn vào năm 2030, nhờ việc chuyển đổi sang năng lượng sạch. Tuy nhiên, thị trường có thể thiếu 8,2 triệu tấn đồng vào năm 2030.
Việc phát triển mỏ mới đã bị hạn chế trong thập niên qua và các công ty khai khoáng vẫn thận trọng do chi phí tăng.