Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 được giao dịch trên sàn Đại Liên ngày 27/7 tăng 0,9% lên 1.136 CNY (tương đương 175,2 USD)/tấn. Trước đó, giá mặt hàng này đã giảm 5 phiên liên tiếp. Phiên gần nhất, 23/7, giá giảm mạnh nhất trong vòng 17 tháng do lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc giới hạn sản lượng thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên sàn Singapore kết thúc phiên 26/7 cũng tăng 0,7% lên 198,6 USD/tấn.
Giá thép cây – dùng trong lĩnh vực xây dựng – kỳ hạn giao ngay tại Trung Quốc tiếp tục tăng do nhiều tỉnh thành yêu cầu các nhà máy cắt giảm sản lượng từ nay đến cuối năm, gây lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung.
Kết thúc phiên 26/7, giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải đều tăng 0,4%, trong khi thép không gỉ tăng 2,9% lên kỷ lục cao 19.755 CNY/tấn.
Giá quặng sắt tuần qua giảm mạnh nhất trong vòng gần 18 tháng do việc Trung Quốc siết chặt sản xuất thép và nguồn cung quặng sắt phục hồi.
Nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc yêu cầu các nhà máy cắt giảm sản lượng từ nay đến cuối năm, gây lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung.
Theo đó, chỉ trong một tuần tính tới 23/7, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm khoảng 10% - mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 2/2020; quặng 62% Fe nhập khẩu, kỳ hạn giao ngay, tại cảng biển Trung Quốc phiên 23/7 giao dịch ở mức 201,6 USD/tấn, giảm so với 223 USD/tấn một tuần trước đó do triển vọng nhu cầu mờ nhạt.
So với ngày 12/5, thời điểm giá sắt thép cao kỷ lục, giá quặng sắt Trung Quốc và quặng sắt 62% nhập khẩu hiện đều mất 17%.
Atilla Widnell, Giám đốc điều hành công ty Navigate Commodities ở Singapore, cho biết: "Chi phí quặng sắt giảm và giá thép tăng đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ trong biên lợi nhuận thép, đặc biệt là đối với các sản phẩm thép dài".
Các nhà sản xuất thép ở An Huy, Cam Túc, Phúc Kiến, Giang Tô, Giang Tây, Sơn Đông và Vân Nam đều đã nhận được thông báo yêu cầu hạn chế sản lượng ở mức bằng với sản lượng của năm 2020 trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nỗ lực hạn chế phát thải khí carbon.
Theo ông Widnell: "Xét các yếu tố cơ bản và yếu tố kỹ thuật, chúng tôi thấy giá quặng sắt sẽ tăng trong ngắn hạn, với lượng quặng nhập khẩu về cảng Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhanh hơn so với mức tiêu thụ nội địa trong tuần qua, và dự kiến tình trạng đó sẽ tiếp diễn sang tuần tới".
Theo ông Widnel: "Chắc chắn không có đủ nguồn cung cho thị trường qua đường vận tải biển để đáp ứng mức tăng trưởng tiêu thụ thép ở Trung Quốc trong nửa cuối năm, đặc biệt là nhu cầu đối với các sản phẩm thép dài".