Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên 13/7 tăng 3,3% lên 1.225 CNY(tương đương 189,49 USD)/tấn. Trong khi đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Singapore tăng 1,4% lên 210,80 USD/tấn. Giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc hiện đã tăng lên mức 217,85 USD/tấn, cao hơn 1,4% so với cuối tuần trước.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,1%, thép cuộn cán nóng không thay đổi, thép không gỉ tăng 0,4%.
Số liệu vừa công bố cho thấy nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng, nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu từ các hãng sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới chậm chạp.

1-banhang-2564-1626232090.jpg

Theo đó, Trung Quốc - nước có gần 2/3 tổng nguồn cung quặng sắt đến từ nhập khẩu qua đường biển - đã nhập khẩu 89,42 triệu tấn quặng sắt trong tháng vừa qua, mức thấp nhất trong vòng 13 tháng, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc. Con số này thấp hơn 0,4% so với tháng 5; so với cùng tháng năm ngoái, nhập khẩu quặng sắt trong tháng 6 giảm 12,1%.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu quặng sắt vào Trung quốc đạt 560,7 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thép của Trung Quốc tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay do lợi nhuận của các nhà máy ở mức cao đã thúc đẩy nhu cầu quặng sắt tại thị trường này, đồng t hời đẩy giá quặng sắt lên mức cao kỷ lục của mọi thời đại. Giá trị nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, các nhà cung cấp quặng sắt chủ chốt gặp khó khăn trong việc đáp ứng đủ nhu cầu. Theo Rohan Kendall, trưởng nhóm nghiên cứu quặng sắt của Wood Mackenzie, cho biết: "Hãng Vale đặt mục tiêu sản xuất 400 triệu tấn quặng sắt trong năm nay, nhưng tiến độ cung cấp vẫn diễn ra chậm chạp". Được biết, sản xuất của hãng này vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau vụ vỡ đập chất thải năm 2019.
Nguồn cung quặng sắt không đáp ứng đủ nhu cầu và những quy định nghiêm ngặt về môi trường đã thúc đẩy nhập khẩu thép tái chế vào Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua lên tới 114,741 triệu tấn, nhiều gấp hơn 28 lần so với tháng 1 - khi nước này dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu sắt thép phế liệu.

1-giaban-5319-1626232090.jpg

Hiện tại, nhu cầu thép tại Trung Quốc đang chậm lại do yếu tố mùa vụ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và một số nhà phân tích thị trường cho rằng nhu cầu thép của nước này sẽ tiếp tục giảm trong 6 thàng cuối năm nay, có thể dẫn tới việc các nhà máy thép giảm mua quặng sắt. Tuy nhiên, những vẫn đề khó khăn của các nhà cung cấp quặng sắt vẫn còn tồn tại.
"Tăng trưởng nhu cầu thép của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ chậm hơn so với nửa đầu năm", Wang Yingsheng, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA), cho biết trong lễ khai mạc Tuần lễ Sắt thép quốc tế Singapore (SIFW) - nơi có sự có mặt của các lãnh đạo cao cấp của những hãng khai thác mỏ quặng sắt lớn là Rio Tinto, BHP Group và Vale SA.
Rohan Kendall, Giám đốc nghiên cứu quặng sắt của Wood Mackenzie, cho biết: "Khi chúng ta bước vào nửa cuối năm, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào mức độ nhu cầu của Trung Quốc, dự kiến sẽ chậm lại, và nguồn cung của Brazil tăng lên". Wood Mackenzie đã điều chỉnh giảm dự báo giá quặng sắt xuống 185 USD/tấn, CFR, trong quý 3 năm nay, so với 200 USD/tấn ở quý 2.
Các nhà phân tích của UBS cũng xem xét hạ dự báo về giá quặng sắt nếu Trung Quốc siết chặt việc hạn chế sản xuất thép và sản lượng không thay đổi trong năm 2021.
"Những hạn chế mà Chính phủ Trung Quốc áp dụng đối với các nhà máy thép có thể khiến nhu cầu quặng sắt giảm khoảng 75 triệu tấn trong nửa cuối năm 2021", UBS cho biết trong một bản tin gửi tới khách hàng của mình.
"Các biện pháp kiểm soát phát thải và sản xuất của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất thép trong nửa cuối năm 2021 dự kiến sẽ khiến nhu cầu nguyên liệu thô giảm mạnh," S&P Global Platts cho biết.
Tháng 3 năm nay, thành phố Đường Sơn - nơi sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc - cho biết sẽ trừng phạt những công ty không tuân thủ kế hoạch chống ô nhiễm khẩn cấp, sáu khi khói bụi xảy ra kéo dài nhiều tuần ở miền Bắc nước này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng vẫn lo ngại về khả năng tình trạng nguồn cung quặng sắt bị hạn chế sẽ còn tiếp diễn.
Nhà chiến lược hàng hóa Tracy Liao của Citi, tại SIFW cho biết: "Vẫn còn những yếu tố chưa chắc chắn rằng liệu thị trường có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu về dài hạn hay không?"
Bên cạnh đó, dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy xuất khẩu các sản phẩm thép của nước này đã tăng 22,5% trong tháng 6 so với một tháng trước đó, trong khi nhập khẩu các sản phẩm thép tăng 2,5% lên 1,25 triệu tấn. Trong nửa đầu năm, Trung Quốc đã xuất khẩu 37,38 triệu tấn thép và nhập 7,35 triệu tấn từ thị trường nước ngoài, theo số liệu hải quan nước này.

Nguồn: VITIC tổng hợp