Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 15h40, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,15 triệu đồng/lượng - bán ra 68,75 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,15 triệu đồng/lượng - bán ra 68,70 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,20 triệu đồng/lượng - bán ra 68,82 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.802– 1.810 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 5/7 giao dịch quanh ngưỡng 1.802 – 1.810 USD/ounce, giá vàng buổi sảng tăng nhẹ, sau đó sụt giảm mạnh vào buổi chiều.
Giá vàng trên thị trường quốc tế giảm vì triển vọng lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn. Đồng USD giảm so với các đồng tiền đối thủ khác, nhưng vẫn neo gần đỉnh hai thập kỷ xác lập vào tháng trước. Đồng bạc xanh yếu giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Mặt khác, thị trường đang đổ dồn sự chú ý đến việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thảo luận có nên dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt hay không. Một quyết định của Tổng thống Joe Biden về vấn đề này có thể được đưa ra trong tuần.
Ngoài ra, giá vàng đang gánh thêm sức ép đi xuống khi Ấn Độ - một quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai trên thế giới - tăng thuế nhập khẩu kim loại quý này từ 7,5% lên 12,5% để giảm thâm hụt thương mại nước ngoài. Việc này đã làm giảm nhu cầu mua vàng của Ấn Độ.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc 1.850 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.750 USD/ounce.
Trong 6 tháng đầu, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận một khởi đầu tồi tệ nhất từ năm 1970 với chỉ số tầm rộng giảm gần 20% do lạm phát cao. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gần như không dự báo chính xác về lạm phát và đã tụt lại phía sau đường cong lãi suất, gây nguy hiểm cho thị trường và nền kinh tế vẫn còn mong manh sau đại dịch Covid.
Chứng khoán giảm khiến dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư an toàn trong đó có USD và vàng.
Đồng USD tăng giá gây áp lực đối với mặt hàng kim loại quý. Các chuyên gia cho rằng, vàng thời gian tới vẫn chịu áp lực mạnh mẽ khi Fed kiên quyết mạnh tay trong thắt chặt chính sách tiền tệ với nỗ lực đưa lạm phát xuống dưới mức 2%.
Nhà phân tích thị trường Han Tan tại Exinity cho biết, đà tăng của giá vàng đang mắc kẹt bởi hành động chính sách mạnh tay của Fed, khi triển vọng lãi suất cao hơn của Mỹ làm suy yếu sự hỗ trợ cho kim loại quý này.
Fed dự kiến sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong tháng này. Hiện tại, Fed không phải là ngân hàng Trung ương duy nhất muốn thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất trong tháng 7 khi lạm phát tiếp tục tăng. Dữ liệu sơ bộ công bố mới đây cho thấy lạm phát ở châu Âu đã tăng 8,6% so với cùng kỳ trong tháng 6, tăng từ mức tăng 8,1% của tháng 5. Theo chuyên gia này, thị trường vẫn chưa đặt cược hoàn toàn vào mức tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong tháng này. Nếu các nhà hoạch định chính sách buộc phải hành động mạnh tay hơn khi đối mặt với lạm phát không ổn định, điều đó có thể khiến giá vàng giảm một lần nữa.
Đêm 4/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.809 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.810 USD/ounce. Giá vàng thế giới đêm 4/7 thấp hơn khoảng 0,7% (12 USD/ounce) so với đầu năm 2022.
"Trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng như hiện nay, khó có thể thấy vàng tăng giá. Nhưng nếu kim loại quý này có thể giữ trên 1.800 USD/ounce, thì điều đó chứng tỏ rằng vàng vẫn còn hỗ trợ cơ bản đáng kể", Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money cho biết.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC