Theo đó, phiên 30/7/2021 kết thúc với việc giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.814,00 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2021 giảm 1% xuống 1.817,20 USD/USD, chấm dứt đà hồi phục ngắn ngủi của giá vàng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trấn an rằng hiện tại chưa xem xét vấn đề tăng lãi suất.
Phiên vừa qua, dollar index tăng 0,3%, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trước đó, trong mấy phiên liên tiếp, chỉ số này giảm xuống thấp nhất trong vòng một tháng.
Phiên liền trước (29/7), giá vàng đạt mức cao nhất 2 tuần sau khi Chủ tịch Fed, ông Powell, cho biết thị trường việc làm Mỹ vẫn còn chưa đủ mạnh để Fed rút lại các chương trình hỗ trợ tài chính.
Số liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2/2021 do Bộ Thương mại nước này công bố ngày 29/7 tiếp tục củng cố khả năng Fed duy trì nới lỏng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 6,5% trong quý 2, thấp hơn so với mức dự báo tăng 8,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Giới phân tích cho rằng Fed sẽ không vội thắt chặt khi đà tăng của nền kinh tế chậm lại.
Mặc dù giảm ở phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng. Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, Bob Haberkorn, cho biết dữ liệu cho thấy lạm phát cơ bản tăng với tốc độ chậm hơn một chút so với dự kiến vào tháng trước, cùng với đồng đô la mạnh lên đang đè nặng lên vàng. Theo truyền thống, vàng được coi là hàng rào chống lạm phát.
Giá vàng trong nước chiều 30/7:
Giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM được niêm yết 56,70-57,40 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội giảm 20 nghìn đồng chiều mua vào và bán ra về 56,48-57,93 triệu đồng/lượng. Chiều bán ra vẫn bám trụ sát mốc 58 triệu đồng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ tăng 100 nghìn đồng hai chiều lên 51,20-52,10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giữ nguyên 51,51-52,21 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Ông Haberkorn cho biết: "Vàng vẫn có vẻ mạnh ở các mức hiện tại và thực tế là Fed đã không thực sự nói bất cứ điều gì về việc sẽ thay đổi hướng mua tài sản hoặc tăng lãi suất, và điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thị trường (vàng)."
Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm giúp cho giá vàng không giảm mạnh.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng gần 7 tấn vàng trong phiên ngày 29/7, tương đương tăng 0,6%, đưa mức nắm giữ lên hơn 1.031 tấn vàng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên của quỹ này trong vòng khoảng 1 tháng.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, giá vàng bình quân trong thời gian còn lại của năm 2021 sẽ chỉ nhỉnh hơn một chút so với ngưỡng 1.830 USD/oz hiện tại. Sau đó, giá vàng có thể giảm trong năm 2021 do kinh tế toàn cầu phục hồi và các ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong ngắn hạn, dự báo giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố trong đó có nhu cầu vàng trang sức phục hồi và khả năng đồng đô la suy yếu khi các thị trường mới nổi phục hồi.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương có thể tiến tới tăng lãi suất, nâng lợi tức trái phiếu chính phủ từ mức đáy hiện tại và khiến vàng - vốn không mang lại lợi suất, trở nên kém hấp dẫn hơn.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết, nhu cầu trú ẩn an toàn sẽ giảm dần khi tăng trưởng toàn cầu phục hồi và lạm phát chỉ là tạm thời.
Jeffrey Christian, nhà quản lý cấp cao của CPM Group, dự kiến vàng sẽ xuyên thủng mức hỗ trợ 1.770 đô la, còn bạc sẽ xuống dưới 25 đô la trong suốt tháng 8.
"Có rất nhiều nhà đầu tư vàng và bạc phi truyền thống đã mua kim loại này năm ngoái sau khi giá tăng đột biến vào tháng 8/2020 và giá vẫn chưa trở lại mức đó, vì vậy có rất nhiều nhà đầu tư nói rằng 'điều này không xảy ra, tôi sẽ chuyển tiền của tôi đi nơi khác'."