Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 10h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,70 triệu đồng/lượng - bán ra 69,50 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,75 triệu đồng/lượng - bán ra 69,55 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,70 triệu đồng/lượng - bán ra 69,62 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.845 – 1.848 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 10/6 giao dịch quanh ngưỡng 1.845 – 1.848 USD/ounce, giảm 7 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay quay đầu giảm sau khi cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) kết thúc. ECB thống nhất giữ nguyên lãi suất nhưng để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7 và tiếp đó là 50 điểm vào tháng 9/2022.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết nếu kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao hoặc tiếp tục tăng, ngân hàng này sẵn sàng các động thái mạnh mẽ hơn nữa vào tháng 9. Theo bà, việc điều chỉnh mức tăng phụ thuộc vào triển vọng lạm phát trung hạn. Nếu triển vọng lạm phát trung hạn vẫn tồn tại hoặc xấu đi, ECB sẽ cân nhắc mức tăng cao hơn vào cuộc họp tháng 9. Lagarde cũng không loại bỏ khả năng sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay nếu lạm phát chưa được kiểm soát.
Hiện lãi suất tiền gửi của ECB là -0,5%. Lãi suất tiền gửi liên tục được ECB giữ ở mức âm kể từ năm 2014. Trong suốt 11 năm qua, cơ quan này chưa từng có quyết định tăng lãi suất nào.
Trong thông báo đưa ra ngày 9/6, ECB cũng xác nhận sẽ dừng chương trình mua trái phiếu đã áp dụng gần một thập kỷ qua từ ngày 1/7. Chương trình mua tài sản chính là công cụ kích thích kinh tế chính được ECB duy trì từ cuộc khủng hoảng nợ Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Ngay sau cuộc họp của ECB, thị trường đang chờ đợi dữ liệu quan trọng nữa được công bố trong tuần này là báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 5 sẽ được công bố sáng thứ 10/6 theo giờ Mỹ.
Chỉ số CPI tháng này của Mỹ dự kiến tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 8,3% vào tháng 4.
Vừa qua, ECB đã đưa ra dự báo lạm phát đến năm 2024. Cụ thể, ngân hàng trung ương dự báo giá cả tăng 6,8% trong năm 2022 và sẽ giảm xuống mức 3,5% vào năm 2023 và 2,1% vào năm 2024. Chủ tịch ECB cũng nhấn mạnh quyết tâm đưa lạm phát xuống mức 2%.
Đồng thời, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng của EU trong năm nay. GDP thực tế của châu Âu dự kiến sẽ tăng 2,8% vào năm 2022, 2,1% vào năm 2023 và 2,1% vào năm 2024.
Nhìn vào thị trường kim loại quý, một số nhà phân tích cho rằng những bình luận mới nhất của Chủ tịch ECB đã cho thấy một bức tranh giằng co của vàng. Trong khi lãi suất tăng có thể khiến vàng bớt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư như một tài sản không sinh lợi, lập trường của ECB sẽ phần nào hỗ trợ kim loại quý khi nó có thể làm suy yếu đồng USD.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chia sẻ: “Cuối cùng ECB cũng phải giải quyết lạm phát bởi tình trạng lạm phát tại khu vực đồng Euro có khả năng sẽ còn tăng nóng hơn so với ở Mỹ. Vì vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cũng sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt lãi suất trong thời gian tới”.
Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiết lộ khả năng cao sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này và một lần nữa vào tháng 7.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá kéo dài 2,5 tháng đã bị phủ nhận và xu hướng tăng giá đang hình thành trên biểu đồ ngày. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự 1.900 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.800 USD/ounce.