Giá vàng trong nước tăng trở lại
Vào lúc 10h giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,20 triệu đồng/lượng (tăng 1.200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 70,20 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68 triệu đồng/lượng - bán ra 70 triệu đồng/lượng (tăng 500.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,45 triệu đồng/lượng - bán ra 70,27 triệu đồng/lượng (tăng 650.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.994 - 1.998 USD/ounce
Giá vàng thế giới sáng ngày 11/3 giao dịch quanh ngưỡng 1.994 - 1.998 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với sáng hôm qua.
Vàng phục hồi do nhu cầu trú ẩn an toàn khi tâm lý e ngại rủi ro vẫn duy trì trên thị trường và thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn đang rung chuyển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ có vẻ đang trở nên tồi tệ hơn. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng có lúc tăng 19,80 USD lên 2.008,10 USD.
Giá vàng hôm nay tăng trở lại khi đồng USD giảm và Mỹ ghi nhận kỷ lục tệ nhất trong 40 năm qua. Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng vọt lên mức 7,9% trong tháng 2/2022, mức cao nhất trong 40 năm do giá cả hàng hóa tăng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vào cuối tháng trước.
Dữ liệu lạm phát của tháng 2/2022 là điểm dữ liệu quyết định cuối cùng trước cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell tuần trước đã có cuộc điều trần trước quốc hội và cho biết ông sẽ ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản như truyền thống trong cuộc họp vào ngày 16/3 tới bất chấp những bất ổn kinh tế xung quanh “hậu quả không mong muốn” của cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Sự bất ổn địa chính trị liên quan đến vấn đề Ukraine và các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga đã tạo ra nhu cầu vàng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư coi kim loại quý này như một hàng rào chống lại rủi ro, lạm phát và cú sốc kinh tế. "Giá vàng đang tăng vọt vào thời điểm này chủ yếu là do hoàn cảnh địa chính trị. Với sự gia tăng bất ổn kinh tế do xung đột Nga-Ukraine, các nhà đầu tư đang cảm thấy lo lắng và rút khỏi cổ phiếu, thay vào đó, họ đổ tiền vào nơi trú ẩn an toàn truyền thống là vàng", đồng sáng lập MarketOrders và COO Sukhi Jutla nhận định. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khác là thách thức mới về lạm phát, với việc các thị trường bắt đầu nghi ngờ khả năng kiểm soát lạm phát đang gia tăng nhanh chóng của các ngân hàng trung ương do các vấn đề nghiêm trọng của chuỗi cung ứng.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết, kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, chỉ riêng các quỹ ETF vàng đã chứng kiến 55 tấn vàng chảy vào, riêng ngày hôm qua hơn 14 tấn, theo Bloomberg. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đưa ra cảnh báo rằng, các yếu tố kích hoạt địa chính trị là động lực tạm thời của vàng, với hầu hết lợi nhuận cuối cùng có thể bị từ bỏ. Và sau đó, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc chống Nga bắt đầu đè nặng lên lạm phát toàn cầu và triển vọng kinh tế, làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ.
Ngay cả Chủ tịch Fed Powell cũng thừa nhận, ông đang thận trọng theo dõi "hậu quả không mong muốn" của cuộc xung đột. Mối quan tâm lớn hiện nay là giá hàng hóa cao hơn, quan trọng nhất là mức độ tăng đột biến của giá hàng hóa đó sẽ dai dẳng như thế nào, đồng thời ông nêu rõ, bất kỳ cú sốc giá dầu dài hạn nào cũng có thể biến thành lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Đây là lúc vàng bắt đầu sáng trở lại do sự đan xen giữa lo ngại địa chính trị và lạm phát đình trệ.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm qua đã thừa nhận nguy cơ lạm phát đình trệ ngày càng tăng, làm tăng triển vọng lạm phát và làm giảm đáng kể dự báo tăng trưởng khu vực này.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, cho rằng cuộc chiến của Nga với Ukraine đang tác động đáng kể đến nền kinh tế châu Âu khi giá năng lượng và hàng hóa tiếp tục tăng.
Trong dự báo kinh tế mới nhất, ECB cho biết tổng sản phẩm quốc nội khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến tăng 3,7% năm 2022, giảm so với dự báo trước đó là tăng trưởng 4,2%.
Hoạt động kinh tế khu vực dự kiến tăng 2,8% trong năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 2,9%. Nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 1,6% vào năm 2024, không thay đổi so với dự báo trước đó.
Một số thông tin đêm qua lưu ý rằng có một nhóm lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang xem xét thông qua một dự luật trừng phạt đối với việc mua hoặc bán vàng của Nga.
Theo báo cáo, Nga có một kho dự trữ vàng trị giá 132 tỷ USD. Các nhà lập pháp Mỹ muốn hạn chế khả năng sử dụng vàng dự trữ của Nga, cụ thể là bán vàng lấy tiền mặt.
Một số nhà phân tích cho rằng động thái như vậy cũng nhằm vào Trung Quốc và Ấn Độ, vì vàng của Nga đã bị tách khỏi thị trường giao dịch London và New York.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng chỉ ra khả năng Venezuela vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và rửa tiền thông qua việc bán vàng.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô Nymex tiếp tục giảm về quanh 113,50 USD/thùng; Chỉ số đô la Mỹ ổn định và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng lên 1,924%.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 4 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Giá đang trong xu hướng tăng 5 tuần trên biểu đồ ngày nhưng các nhà phân tích cho rằng đà tăng đang dần cạn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự cũng chính là mức giá cao kỷ lục 2.078,80 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.950 USD/ounce.

Nguồn: Vinanet/VITIC