Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Vào thời điểm lúc 14h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 48,42 triệu đồng/lượng - bán ra 48,79 triệu đồng/lượng (giảm 30.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 48,50 triệu đồng/lượng - bán ra 48,75 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 48,48 triệu đồng/lượng - bán ra 48,68 triệu đồng/lượng (tăng 10.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 48,50 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 48,65 triệu đồng/lượng (giảm 20.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới 1.730 USD/ounce
Giá vàng thế giới chốt phiên giao dịch cuối tuần trên ngưỡng 1.730 USD/ounce trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ. Đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới một lần nữa quay đầu đi xuống ngay khi tiến sát tới ngưỡng 1.745 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng giao ngay vẫn tăng nhẹ so với thời điểm sáng hôm qua và chốt phiên giao dịch cuối tuần tại 1.730,5 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 7 trên sàn Comex New York giảm 10,6 USD xuống 1.724,1 USD/ounce.
Đà đi lên của giá vàng có phần chậm lại khi thị trường chứng khoán thế giới hồi phục sau 3 phiên lao dốc. Tại Mỹ, đóng cửa phiên giao dịch 12/6, cả 3 chỉ số Dow Jones; S&P 500; Nasdaq đều tăng điểm sau những số liệu kinh tế của nước này được công bố với tín hiệu khả quan.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, giá nhập khẩu trong nước tháng Năm đã tăng 1% và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019. Trong khi đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát cũng tăng từ mức 72,3 trong tháng Năm lên 78,9. Mặc dù vậy, những lo ngại về tác động kinh tế khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng vẫn là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 9 và 10/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức gần 0% cho đến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời đưa ra dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 6,5% trong năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,3% so với mức 13,3% hiện tại. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên ít nhất tới năm 2022.
Ở một diễn biến khác, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) mới đây thông báo GDP nước này giảm 20,4% trong tháng 4 so với tháng trước đó, chủ yếu do biện pháp phong tỏa. Tốc độ này lớn hơn dự báo của các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters là 18,4%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, GDP tháng 4 của Anh giảm tới 25,4%.
Mối lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai đã tăng lên khi các tiểu bang tiếp tục mở cửa trở lại. Trong 3 ngày liên tiếp, Texas đã báo cáo số trường hợp nhập viện Covid-19 tăng cao kỷ lục. 9 quận thuộc California cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chia sẻ với CNBC rằng, về cơ bản "chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa."
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy có 1,54 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 6/6. Con số này thấp hơn dự kiến nhưng vẫn gần mức cao kỷ lục, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng sa thải lao động hàng loạt trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ.
Thị trường dầu tương lai giảm, trong bối cảnh lo ngại về việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ bị đình trệ. Hợp đồng tương giá dầu WTI giảm 8.2% xuống mức 36,34 USD/thùng. Theo đó, nhà đầu tư đổ xô tìm đến các loại tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng - đều tăng giá.
Ngoài ra, đồng USD mạnh đã hạn chế vàng tăng giá, bởi nó sẽ làm giá kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.

Nguồn: VITIC