Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 11h giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,60 triệu đồng/lượng - bán ra 67,25 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Vietinbank Gold niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,70 triệu đồng/lượng - bán ra 67,32 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,70 triệu đồng/lượng - bán ra 67,32 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.958 – 1.960 USD/ounce
Trong phiên sáng ngày 13/7, giá vàng giao dịch trong khoảng 1.958 – 1.960 USD/ounce. Giá vàng tăng sau khi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ thúc đẩy hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng chu kỳ nâng lãi suất sớm hơn.
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhẹ trong tháng 6 và ghi nhận mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong hơn hai năm khi lạm phát tiếp tục giảm. Trong 12 tháng tính đến tháng 6, chỉ số CPI tăng 3%, thấp hơn so với ước tính của Reuters là tăng 3,1%.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết vàng tăng thêm 10 USD sau khi chỉ số CPI cho kết quả yếu hơn dự kiến với hy vọng rằng đợt nâng lãi suất vào tháng 7 có thể là đợt tăng cuối cùng của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu vàng có thể vượt qua đường trung bình động 50 ngày ở mức 1.960 USD, nó sẽ kích hoạt nhiều đợt đặt cược tăng giá hơn nữa.
Đồng USD giảm 1% xuống mức thấp nhất trong hơn một năm so với các đồng tiền chủ chốt sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát, theo đó giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.
Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 0,08% xuống 100,165. Thị trường cũng được hỗ trợ khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm xuống 3,8770%. Lạm phát đang chậm lại đủ nhanh để cho phép Fed ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ, nhưng nhiều thành phần trên thị trường vẫn đặt cược vào khả năng lãi suất sẽ tăng tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Mỹ sau hai tuần nữa. Cụ thể, các thị trường nhận thấy 91% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì những điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản có lãi suất bằng 0 như vàng.
Đầu tuần này, một số quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng cho hay chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại của Fed sắp kết thúc.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 4,4% lên 24,11 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/6. Giá bạch kim tăng 2,9% lên 950,98 USD và giá palladium tăng 2,4% lên 1.281,23 USD, theo Reuters.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại ngân hàng IG, cho biết niềm tin vào vàng đã được khôi phục trong thời gian gần đây, do nhiều người kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sắp tới của Mỹ sẽ phản ánh áp lực giá suy yếu hơn nữa.
Xu hướng giá vàng: Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định: “Nếu số liệu lạm phát yếu hơn dự báo, giá vàng có thể nhảy vọt lên 1.950 USD/oz. Ngược lại, một báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo có thể khiến giá vàng tuột khỏi mốc 1.900 USD/oz”. Lãi suất tăng là trở ngại đối với giá vàng, nhưng cũng có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Mối lo kinh tế suy thoái là một yếu tố hỗ trợ giá vàng, một tài sản an toàn.

Nguồn: Vinanet/VITIC