Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 11h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,05 triệu đồng/lượng - bán ra 56,57 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56 triệu đồng/lượng - bán ra 56,50 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,10 triệu đồng/lượng - bán ra 56,45 triệu đồng/lượng (giảm 170.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán)
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 56,12 triệu đồng/lượng - bán ra 56,43 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.847 – 1.850 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.847 - 1.850 USD/ounce, giảm 5 – 7 USD/ounce so với sáng hôm qua.
Giá vàng thế giới giảm giá bất chấp lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm đáy 3 tuần.
Hiện nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra thận trọng với khả năng “tuần trăng mật” của Tổng thống Biden có thể sẽ không kéo dài. Quốc hội Mỹ cũng như giới truyền thông có thể sẽ xem xét thận trọng các chính sách mới của vị Tân Tổng thống.
Rủi ro rằng gói kích thích kinh tế có thể bị trì hoãn, khiến vàng lại bị lệ thuộc vào những quyết định bất ngờ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giới đầu tư lại đang chờ đợi quan điểm chính thức về các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai từ Fed. Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ hiện nay, khi nền kinh tế vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19. Cuộc họp của Fed diễn ra trong hai ngày 26-27/1. Như vậy, các nguyên tắc cơ bản vẫn ủng hộ vàng tăng giá, đặc biệt là chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm khắc phục hậu quả kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong đó, chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed vẫn sẽ được coi là nhân tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi khi giá vàng tăng tốc luôn có một đợt giảm giá nhanh chóng theo sau. Đây chính xác là những gì đã xảy ra vào thứ Hai, khi vàng lần đầu tiên tăng trên 1.865 USD/ounce, nhưng ngay sau đó lại nhanh chóng giảm mạnh chỉ trong một buổi sáng. Chính diễn biến giá này đã khiến giá vàng bị mắc kẹt trong biên độ giao dịch rộng từ 1.800 đến 1.900 USD/ounce. Theo ý kiến của nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank, sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay đối với vàng không còn nhiệt tình như trước. Động lực cần thiết để đẩy giá vàng ra khỏi tình trạng hiện tại vẫn còn thiếu. Thị trường kim loại quý rõ ràng đang chờ đợi một chất xúc tác có thể đưa vàng lên cao hơn hoặc thấp hơn, đó là lý do cuộc họp chính sách của Chủ tịch Fed Jerome Powell được giới đầu tư trông đợi.
Theo dự báo của Capital Economics, Fed có thể tận dụng cơ hội này để hạ thấp triển vọng của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, bất chấp khả năng sẽ sớm có thêm gói kích thích tài khóa, yếu tố có thể gây áp lực giảm giá mới đối với đồng USD và thúc đẩy giá hàng hóa, đặc biệt là vàng. Đồng thời, Fed cũng có khả năng chỉ ra một số điểm yếu gần đây trong dữ liệu kinh tế Mỹ, điều này sẽ xác nhận thêm sự cần thiết của một chính sách tiền tệ hỗ trợ từ Ngân hàng trung ương.
Hiện xu hướng ngắn hạn của vàng nằm ở hai bên đường trung bình động 200 ngày, đứng ở khoảng 1.847,8 USD/ounce. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng giá vàng, nhưng dự báo vàng có thể đi lên theo kiểu bậc thang, chứ không tăng nhanh như trước đó. Dù vậy, vàng được kỳ vọng sẽ vượt ngưỡng tâm lý 1.900 USD/ounce - mức đột phá quan trọng, khi gói kích thích kinh tế được thông qua.

Nguồn: VITIC