Giá vàng trong nước biến động nhẹ
Vào lúc 10h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,50 triệu đồng/lượng - bán ra 69,30 triệu đồng/lượng (không đổi so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,60 triệu đồng/lượng (giảm 100.000 đồng/lượng) - bán ra 69,30 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,65 triệu đồng/lượng - bán ra 69,39 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.922 - 1.930 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 29/3 giao dịch quanh ngưỡng 1.922 - 1.930 USD/ounce, giảm 27 - 32 USD/ounce so với hôm qua.
Theo Kitco News, giá vàng hôm nay tiếp tục giảm mạnh khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến và đồng USD mạnh hơn. Bên cạnh đó, hy vọng về những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine cũng làm giảm nhu cầu trú ẩn cho kim loại quý.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: "Sức mạnh đáng kể của đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng chính là những bất lợi cho vàng vào lúc này.
Làn sóng bán vàng đang có vẻ dâng trào và theo các nhà phân tích, kim loại quý hiện đang đối mặt với những sóng gió đáng kể trên cả ba mặt trận".
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng trên 2,5% so với mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 khi đặt cược vào các đợt tăng lãi suất lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để chống lại lạm phát tăng cao. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, như chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi, đồng thời thúc đẩy đồng đô la.
Trong ngắn hạn, lợi suất tăng có thể sẽ vẫn là chất xúc tác làm giá vàng giảm mạnh. Câu hỏi quan trọng là liệu sự bất ổn địa chính trị, vốn làm tăng nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng trong giai đoạn trước, có thể bù đắp tác động tiêu cực từ lợi suất tăng và đồng USD mạnh lên hay không.
Trước đó, Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide (Singapore) Michael Langford dự đoán, nếu trong tháng 3, Mỹ tạo ra khoảng 500.000 việc làm mới trở lên, khả năng cao giá vàng sẽ giảm xuống trong ngắn hạn vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất.
Trong bối cảnh đó, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng lên 1.093,18 tấn trong phiên cuối tuần trước, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2021. Tuy nhiên trước đó, ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường của Công ty Môi giới đầu tư Spartan Capital Securities (Mỹ) dự đoán giá vàng có thể vượt mức 2.000 USD/ounce, khi lạm phát khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro trước tình hình giá cả leo thang, trong khi tình hình căng thẳng địa chính trị cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Tương tự, một báo cáo ngắn từ Công ty chuyên Giao dịch và Sản xuất sản phẩm từ kim loại quý Heraeus Precious Metals (Đức) cho hay, ngay cả khi những dự đoán về việc Fed tăng lãi suất trở thành hiện thực, lạm phát vẫn sẽ cao trong khi lãi suất thực ở mức âm. Những yếu tố này sẽ duy trì một môi trường tích cực cho giá vàng trong trung hạn.
Liên quan thị trường vàng, từ 28/3-30/6/2022, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bắt đầu mua vàng trở lại từ các ngân hàng trong nước với giá mua được cố định ở mức 5.000 Ruble (52 USD)/gram.
Theo CBR, việc tiếp tục mua vàng sẽ giúp đảm bảo nguồn cung bền vững và không bị gián đoạn bởi các nhà sản xuất. Trước đó, từ ngày 15/3, CBR đã phải tạm dừng việc mua vàng từ các ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân tăng lên.
Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, CBR cũng tuyên bố nối lại hoạt động mua vàng sau 2 năm duy trì dự trữ đi ngang.
Hiện nay, Nga đã tích lũy được kho vàng trị giá 2.300 tấn. Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, Mỹ và Anh đã bắt đầu tiến hành các biện pháp nhắm mục tiêu trừng phạt vào kho vàng của Nga do việc bán vàng có thể nâng giá trị đồng Ruble, vốn đang lao dốc sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giá vàng giảm mạnh đầu tuần do chịu sự chèn ép từ thị trường hàng hoá thô, trong đó dẫn đầu là giá dầu thô giảm mạnh. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng biến động trái chiều phiên đầu tuần. Cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và thương nhân, tương tự với việc lạm phát gia tăng.
Thị trường kim loại đang đánh giá lại với kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 5 tới và có thể tăng thêm lãi suất tương tự tại cuộc họp sau đó nữa.
Một điều đáng lo ngại nữa đối với thị trường lúc này là diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Với số ca nhiễm tăng nhanh, Trung Quốc đang đặt thành phố kinh tế lớn là Thượng Hải vào tình trạng phong toả cục bộ. Các báo cáo cho biết, hãng ô tô Tesla đã tạm dừng sản xuất tại nhà máy tại Thượng Hải. Giá dầu thô giảm mạnh đầu tuần một phần cũng do tin tức này.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô Nymex giảm mạnh về quanh 109 USD/thùng; Chỉ số đô la Mỹ bật tăng cao hơn và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 cũng tăng mạnh lên 2,51%, mức cao nhất trong ba năm. Đường cong lợi suất hiện đã đảo ngược cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang suy yếu. Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 4 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự quan trọng 2.000 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức thấp nhất trong tháng 3 là 1.895,20 USD/ounce.

Nguồn: Vinanet/VITIC