Giá vàng trong nước giảm
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ngày 2/5/2020 và ngày 3/5/2020 tại Hà Nội không đổi ở mức 47,85 – 48,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 47,85 – 48,50 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC đã không đổi từ ngày 30/4, và như vậy tổng kết tuần này giảm 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Chốt phiên cuối tuần, giá vàng SJC trên hệ thống Phú Quý được niêm yết 47,80-48,35 triệu đồng/lượng sau khi tăng mạnh 100 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng chiều bán ra.
Giá vàng Doji tăng nhẹ phiên cuối tuần lên 47,75-48,15 triệu đồng/lượng; Vàng PNJ chốt tại 46,10-47,20 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh nới nhẹ khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra và chốt tuần tại 45,71-46,46 triệu đồng… Tính chung cả tuần, vàng SJC giảm 300 nghìn đồng; Vàng Doji giảm 500 nghìn đồng; vàng PNJ giữ nguyên giá và vàng Rồng Thăng Long Bảo Tín Minh Châu giảm 300 nghìn đồng…
Giá vàng thế giới giảm
Giá vàng thế giới tính chung cả tuần giảm do hoạt động chốt lời của giới đầu tư, trong bối cảnh nhiều nước lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế vì COVID-19
Dù phiên cuối tuần, giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần này, giá vàng vẫn giảm. Giá vàng giao tháng 6 tăng 6,7 USD, hay 0,4%, lên 1.700,9 USD/ounce. Theo số liệu của FactSet, hợp đồng này tăng 6,1% trong tháng 4, nhưng giảm 2% trong tuần qua. Tháng 4 giá vàng đã tăng hơn 7%. Tính từ đầu năm, vàng đã tăng tới 13%.
Hiện vàng đang được giao dịch trong vùng giá cao 1.700-1.730 USD/ounce. Các hoạt động chốt lời đang là yếu tố kìm hãm sự tăng giá vàng nhưng nhiều ý kiến vẫn ủng hộ quan điểm vàng sẽ còn tăng giá khi khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh sẽ rất nặng nề và đặc biệt khi nguồn cung vàng đang hạn chế do các mỏ khai thác vẫn đang đóng cửa.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 30/4, giá vàng thế giới giảm 1,6% xuống 1.683,72 USD/ounce và là mức thấp nhất kể từ ngày 22/4, do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra, nhưng khép lại tháng 4 với mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2019 do những lo lắng dai dẳng về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong phiên 29/4, giá vàng giao tháng 6 giảm 0,51%, xuống 1.713,4 USD/ounce, khi một loại thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 cho kết quả khả quan.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần trong phiên 28/4 do hoạt động chốt lời của giới đầu tư, trong bối cảnh nhiều nước lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19. Giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.702,4 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm tới 1,4%.
Trong phiên giao dịch 27/4, giá vàng thế giới đi xuống giữa lúc một số bang của Mỹ và các nước châu Âu bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội và đưa ra các biện pháp kích thích chưa từng có để hồi phục nền kinh tế. Giá vàng giao ngay phiên này giảm 1% xuống còn 1.710,71 USD/ounce, sau khi đã giảm 1,3% xuống 1.704,45 USD/ounce trước đó trong cùng phiên.
Nhiều nhà phân tích đánh giá vàng giảm chỉ là tạm thời và sẽ lấy lại đà tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và những số liệu kinh tế vĩ mô trên toàn cầu kém khả quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài.
Nhận định của chuyên gia kim loại quý Everett Millman cho rằng: “Không thể quên về tính thời vụ của vàng. Hầu như mọi năm trong điều kiện bình thường, giá vàng thường chỉ biến động mạnh chỉ trong quý I và quý IV, nhưng ở giữa năm, rất hiếm khi vàng tăng cao, trừ khi có những bất thường địa chính trị hoặc một số loại khủng hoảng tài chính. Nhưng năm nay rõ ràng không phải là một năm thông thường và tính thời vụ có thể không tồn tại”.
Theo kết quả khảo sát diễn biến giá vàng tuần tới, cả giới chuyên gia và các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng của giá kim loại quý. Cụ thể, có tới 60% chuyên gia ủng hộ xu hướng tăng giá, 33% cho rằng giá giảm và chỉ có 7% giữ quan điểm trung lập.
Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, tuần này có 54% nhà đầu tư dự đoán giá vàng sẽ tăng, 29% dự đoán vàng giảm và 17% nhà đầu tư cho rằng giá vàng đi ngang.

Nguồn: VITIC