Giá nhôm đầu năm nay ở mức 2.013 USD/tấn sau đó tăng dần. Xu hướng tăng bị gián đoạn khi giá nhôm giảm mạnh vào hồi tháng 5 sau đó tiếp tục tăng. Đến ngày 13/9, giá nhôm cao kỷ lục, chạm mức 3.000 USD/tấn trên sàn giao dịch London, Anh.

1-nhom-5624-1632057304.jpg

Giá nhôm trong những ngày vừa qua. Nguồn: Capital.com
Một trong những nguyên nhân khiến nhôm giá tăng là bất ổn chính trị tại quốc gia nhỏ ở Tây Phi, Guinea. Tuy chỉ có 13,6 triệu dân nhưng Guinea là nước có sản lượng quặng bauxite, nguyên liệu để sản xuất nhôm, lớn thứ 2 thế giới sau Australia. Trong năm 2020, Guinea sản xuất 82 triệu tấn (chiếm 22% sản lượng toàn cầu). Chính vì thế, cuộc đảo chính quân sự khiến Guinea rơi vào tình trạng hỗn loạn ngày 5/9 đã gây ra những tác động đáng kể đến thị trường thế giới, góp phần khiến giá nhôm tăng kỷ lục.
Ngoài ra, việc Trung Quốc hạn chế sản xuất nhôm cũng tác động manh đến nguồn cung loại khoáng sản này. Vốn là quốc gia có sản lượng nhôm lớn nhất thế giới, Trung Quốc khuyến khích sản xuất nhôm bằng cách giảm giá điện cho các nhà sản xuất nhưng chính quyền Bắc Kinh ngày 27/8 đã ra lệnh cấm áp dụng biểu giá điện ưu đãi trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Chính sách này đặc biệt ảnh hưởng tới các nhà máy lớn ởtỉnh Quảng Tây và Tân Cương.
Trên thực tế, sản lượng nhôm từ tháng 1 đến tháng 7 của Trung Quốc vẫn tăng 9,5% so với cùng kỳ 2020, đạt 22,8 triệu tấn. Như vậy, từ nay đến cuối năm, sản lượng nhôm sản xuất từ Trung Quốc chắc chắn phải đi xuống, ảnh hưởng lớn tới mức giá trên thị trường toàn cầu.
Giá nhôm tiếp tục đà tăng đến giữa 2022
Nhu cầu tăng, giá vận chuyển lên cao, nguồn cung hạn chế... khiến những tính toán về giá nhôm thay đổi. Fitch Ratings đã thay đổi dự báo về giá nhôm trung bình trong năm nay, từ mức 1.950 USD/tấn lên 2.200 USD/tấn.
Báo cáo Dịch vụ Đầu tư của Moody’s thậm chí cho rằng giá nhôm sẽ giữ đà tăng ít nhất đến giữa năm 2022. Đầu năm 2022, giá kim loại này sẽ vượt 2.600 USD/tấn - tương đương mức giá giữa năm nay.
Nhôm là một trong những vật liệu dễ tái chế nhất. Theo Viện nhôm thế giới (IAI), nhôm phế liệu đến từ 3 nguồn đã qua sử dụng như bao bì, xe và công trình cũ. Năm 2019, 20 tấn nhôm phế liệu được sử dụng, mức kỷ lục kể từ khi IAI bắt đầu ghi nhận dữ liệu cách đây 70 năm.
Ông Marlen Bertram, giám đốc IAI, dự đoán nhu cầu nhôm sẽ tăng khoảng 80% vào năm 2050. Khi đó nhôm tái chế có thể đáp ứng được nửa nhu cầu trên. Do đó, các chuyên gia đang kỳ vọng vào nguồn nhôm tái chế sẽ góp phần giải quyết bài toán nguồn cung trong tương lai.

Nguồn: ndh.vn