Nhu cầu thép thép yếu đi vì tính mùa vụ, giá cao và Covid-19, kỳ vọng giá thép tiếp tục giảm
Trong ngày 11/7, giá thép của Hòa Phát, thương hiệu chiếm 34,5% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong 5 tháng đầu năm nay, ở mức 16,6 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, 16,9 triệu đồng/tấn với thép D10 CB300. Các mức giá này lần lượt giảm 8,1% và 5,3% so với ngày 12/5.
Báo cáo ngành mới nhất từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về tình hình thép trong nước cho biết trong mảng thép xây dựng, sản lượng bán hàng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh số bán thép xây dựng trong 5 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 4,6 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa tăng 12% so với cùng kỳ. Sau đó, lượng thép tiêu thụ yếu đi nhanh chóng trong tháng 6.
Mùa mưa và làn sóng Covid-19 mới là nguyên nhân khiến hoạt động xây dựng trở nên trì trệ, kéo theo sản lượng tiêu thụ giảm. Bên cạnh nhu cầu yếu từ ngành xây dựng, các đại lý cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thép tăng từ 14,5 triệu đồng/tấn trong tháng 3 lên 17,5 triệu đồng/tấn trong tháng 6 (chưa bao gồm VAT). VDSC kỳ vọng các nhà sản xuất thép sẽ giảm giá bán trong tháng 7, trước khi điều chỉnh cho các tháng tiếp theo dưới áp lực tăng giá nguyên liệu.
Hai yếu tố có thể khiến giá thép thế giới giảm trong tháng 7
CNBC đưa tin, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp thép trên thế giới đang chịu áp lực lớn bởi triển vọng giá thép có thể giảm trong tháng 7. Hai yếu tố khiến giá thép có thể giảm là Nga sẽ tăng xuất khẩu trong thời gian tới và hai thị trường thép lớn là Trung Quốc và Ấn Độ đang trong quá trình điều chỉnh nhiều chính sách liên quan đến mặt hàng quan trọng này.
Trong quý III, hoạt động xây dựng của Ấn Độ chậm lại dẫn đến thép thanh sẽ chịu áp lực giảm giá. Ngoài ra, tồn kho cao cũng là yếu tố tác động lên giá. Bên cạnh đó, nước này đang bước vào quý thấp điểm về nhu cầu thép vì thời tiết nhiều mưa.
Trước đó, nhu cầu thép ở Ấn Độ đã suy yếu do làn sóng Covid-19 lần thứ 2. Tiêu thụ thép thành phẩm giảm trong tháng 5 và đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tiếp.
Tương tự, trang SP Global cũng cho hay tháng 7 là thời điểm nhu cầu thép giảm mạnh nhất trong năm ở Trung Quốc vì thời tiết nắng nóng và mưa nhiều làm các hoạt động xây dựng thưa dần.
Năm 2020, Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều thép nhất thế giới với 1,053 tỷ tấn. Các nước đứng sau Trung Quốc lần lượt là Ấn Độ (99,6 triệu tấn), Nhật Bản (83,2 triệu tấn), Nga (73,4 triệu tấn), Mỹ (72,7 triệu tấn).