Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 437,16 điểm hôm 13/10/2020, giảm 1,69% tương đương 7,54 điểm so với chỉ số trước đó hôm 12/10/2020.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 373,66 điểm, không thay đổi so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 449,17 điểm, giảm 1,96% tương đương 8,96 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Đại Liên ngày 14/10/2020 giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất 2 tuần, do triển vọng nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép tại Trung Quốc – nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,2% xuống 792 CNY (117,5 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/9/2020. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Singapore giảm 3,1% xuống 113,25 USD/tấn, giảm phiên thứ 3 liên tiếp.
Nhu cầu bổ sung quặng sắt từ các nhà máy thép Trung Quốc giảm sau kỷ nghỉ từ 1-8/10/2020. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay ở mức 123,5 USD/tấn, so với 125 USD/tấn trong phiên trước đó, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm do nguồn cung được cải thiện khi nhập khẩu tăng mạnh và quá trình dỡ hàng tại các cảng của Trung Quốc nhanh hơn, Richard Lu, nhà phân tích thuộc CRU, Bắc Kinh cho biết.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 9/2020 tăng do nguồn cung từ các mỏ khai thác lớn tăng và hiện tượng tắc nghẽn tại các cảng giảm trong những tháng tới, khi nguồn cung từ các nước cung cấp chủ yếu Brazil và Australia tăng.
Tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc trong tuần trước tăng lên 123,6 triệu tấn, cao nhất kể từ ngày 20/3/2020, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá than luyện cốc giảm 1,4% và than cốc giảm 0,5% thoái lui từ mức cao nhất trong ngày 13/10/2020, sau báo cáo cho biết Trung Quốc ngừng mua than đá từ Australia.
Trên sàn Thượng Hải, giá thanh cốt thép giảm 0,4%, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,5% và thép không gỉ giảm 0,4%.
Các thông tin khác:
Thép phế liệu: Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Sắt Thép Thổ Nhĩ Kỳ (TCUD), nhập khẩu thép phế liệu của nước này trong tháng 8/2020 đạt 1,92 triệu tấn, tăng 16% so với tháng 7/2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu thép phế liệu Thổ Nhĩ Kỳ đạt 13,99 triệu tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong số đó các nước EU vẫn là thị trường cung cấp chủ yếu, chiếm 61,2% trong tổng số, tiếp theo là Mỹ chiếm 20,7%.
Xuất khẩu thép phế liệu của Nhật Bản trong tháng 8/2020 đạt 670.000 tấn, giảm 2,7% so với tháng 8/2019.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản xuất khẩu 6,3 triệu tấn thép phế liệu, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, xuất khẩu sang Việt Nam tăng 63,6% lên 2,2 triệu tấn, sang Hàn Quốc giảm 27,2% xuống 1,98 triệu tấn, sang Đài Loan (TQ) tăng gần 122% lên 908.000 tấn, sang Bangladesh tăng 230,3% lên 476.000 tấn.
Sản phẩm thép bán thành phẩm: Trong 8 tháng đầu năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 2,5 triệu tấn sản phẩm thép bán thành phẩm, tăng 500.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 1,3 triệu tấn từ Nga và 760.000 tấn từ Ukraine, chiếm 83% trong tổng nhập khẩu.
Các nhà cung cấp chủ yếu khác bao gồm Brazil đạt 223.000 tấn, Anh đạt 62.000 tấn và Hà Lan đạt 42.000 tấn.
Thanh cốt thép: Theo phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Power Steel Co., Ltd., công ty sản xuất và xuất khẩu thanh cốt thép có trụ sở tại Đài Loan (TQ) đã bán giá thanh cốt thép thấp hơn giá hợp lý trên thị trường Mỹ.
Bởi vậy, Power Steel chịu mức thuế chống bán phá giá 3,27%, thấp hơn 3,5% trước đó.
Thời gian xem xét trong giai đoạn từ ngày 7/3/2017 đến 30/9/2018.
Thép phế liệu: Nhập khẩu thép phế liệu của Đài Loan (TQ) trong tháng 9/2020 đạt 229.000 tấn, giảm 36,15% so với tháng 8/2020 và giảm 9,36% so với tháng 9/2019.
Trong số đó, nhập khẩu từ Mỹ đạt 108.000 tấn, giảm 27,15% so với tháng 8/2020 và giảm 26,08% so với tháng 9/2019, nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 50.300 tấn, giảm 50,45% so với tháng 8/2020 và tăng 123,01% so với tháng 9/2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu thép phế liệu của Đài Loan đạt 2,7 triệu tấn, tăng 18,91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 9/2020, Brazil đã xuất khẩu 97.000 tấn thép phế liệu, tăng 75,6% so với tháng 8/2020 và tăng gần 20% so với tháng 9/2019, đạt mức cao mới kể từ tháng 5/2016.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu đạt 622.000 tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thép phế liệu của Brazil chủ yếu sang Ấn Độ, chiếm 31% trong tổng số. Tiếp theo là Bangladesh và Pakistan với mức 26% và 15%.
Thép OCTG: Trong tháng 8/2020, Mỹ nhập khẩu 41.000 tấn thép ống dẫn dầu (OCTG), giảm 32,1% so với tháng 7/2020 và giảm 75,6% so với tháng 8/2019.
Trong số đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm phần lớn đạt 14.600 tấn, giảm so với 35.000 tấn tháng 7/2020 và 42.300 tấn tháng 8/2019. Nhập khẩu từ các nguồn khác bao gồm Mexico đạt 6.600 tấn, Áo đạt 4.900 tấn, Canada đạt 3.600 tấn và Thái Lan đạt 2.600 tấn.