Gần đây, mỗi lần giá vàng tái lập mốc 1.800 USD/oz lại được thị trường xem như một cơ hội tốt để bán ra. Vì lý do như vậy, giá vàng gần như không thể bứt phá. Điển hình như trong tuần này, sau khi giá vàng vượt 1.800 USD/oz, áp lực bán đã ngay lập tức tăng lên. Cuối cùng, giá vàng giảm khoảng 1% trong cả tuần.
“Giới giao dịch trên thị trường toàn cầu đang gia tăng đặt cược vào khả năng Fed đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Khủng hoảng năng lượng và chuỗi cung ứng tắc nghẽn đang đẩy lạm phát lên cao hơn, khiến khả năng Fed thắt chặt nhanh hơn được phản ánh vào giá các tài sản”, một báo cáo của TD Securities nhận định.
“Trong ngắn hạn, thị trường đang nghiêng về khả năng Fed công bố cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp tháng 11. Tôi cho rằng Fed sẽ làm gia tăng thêm áp lực giảm lên giá vàng”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nói trong một cuộc trao đổi với trang Kitco News.
Trong cuộc họp diễn ra vào tuần này, Ngân hàng Trung ương Canada bất ngờ kết thúc chương trình mua tài sản. Động thái bất ngờ của Canada khiến thị trường lo ngại vì bị xem như một tín hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương đang bất an về lạm phát - ông Melek nói thêm.
“Giá vàng đã giằng co trong vùng hẹp trong một thời gian. Tuần này, giá vàng đã có lúc đạt 1.806 USD/oz, nhưng rồi lại giảm. Xét tới sự cứng rắn bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Canada, nhiều người cho rằng Fed cũng có thể hành động bất ngờ tương tự vào một thời điểm. Mọi người đều đang chuẩn bị cho một sự cứng rắn giống như thế từ Fed”, ông Melek phát biểu.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang gia tăng đặt cược vào khả năng Fed bắt đầu nâng lãi suất trở lại trong năm 2022. Theo CME FedWatch Tool, khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 5/2022 là 47% và một đợt tăng thứ hai vào tháng 9/2022 là 40%.
“Một tuyên bố cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng trong lần họp tới là gần như chắc chắn, vì giới chức Fed tin cả lạm phát và việc lạm phát đều đã có những bước tiến quan trọng. Fed có thể cắt giảm 15 tỷ USD mỗi tháng trong chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng”, chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley nhận xét. “Chúng tôi không cho rằng Fed sẽ đợi lâu sau khi kết thúc chương trình mua tài sản mới nâng lãi suất. Thị trường cũng đồng tình với dự báo rằng lãi suất sẽ tăng sớm hơn tại tất cả các nền kinh tế phát triển”.
|
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.
|
Với nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang rục rịch bình thường hoá chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda cho rằng thị trường có thể đang lo lắng thái quá về việc tăng lãi suất ở Mỹ.
“Chúng ta cần nhớ rằng trước khi Fed có thể nâng lãi suất, họ cần chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu. Mà Fed cũng không thể tăng lãi suất quá nhanh. Các bạn sẽ thấy Chủ tịch Fed Jerome Powell cực kỳ thận trọng về việc tăng lãi suất. Với tất cả các biện pháp kích cầu bằng tài khoá và tiền tệ đã được đưa ra rồi, điều khiến Fed lo nhất là một sai lầm chính sách. Fed không thể để những nỗ lực đó trở thành lãng phí. Họ không muốn làm trệch hướng sự phục hồi này. Nếu đột nhiên Fed cứng rắn quá mức, mục tiêu của họ sẽ gặp trở ngại, nhất là về sự phục hồi của thị trường việc làm”, ông Moya nói.
Thống kê từ các nền kinh tế lớn trong tuần này đều cho thấy một vấn đề chung là lạm phát vẫn cao. Ngoài báo cáo PCE của Mỹ, số liệu từ châu Âu cho thấy lạm phát ở khu vực Eurozone đang ở mức cao nhất 13 năm, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Những lo lắng về lạm phát sẽ không sớm dịu đi và điều này tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Nhưng vấn đề là thị trường chưa dám chắc Fed sẽ làm gì trong tuần tới, và họ cũng không biết lạm phát sẽ như thế nào trong hai quý tới. Điều này khiến giá vàng gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư”, ông Moya nhận định.
Ông Moya thừa nhận khả năng xảy ra một đợt bán tháo trên thị trường vàng sau cuộc họp tuần tới của Fed. Nhà phân tích này nói thêm rằng trong thời gian tới, thị trường vàng sẽ có mức độ biến động mạnh hơn. Mấy tháng gần đây, giá vàng giằng co trong vùng 1.680-1.840 USD/oz, và ở thời điểm hiện tại, 1.750 USD/oz là ngưỡng hỗ trợ chủ chốt mà giá vàng phải giữ để không rớt về cận dưới của vùng biên độ - theo ông Moya.
Còn theo Giám đốc giao dịch Sean Lusk của Walsh Trading, nếu giá vàng không giữ được mốc 1.784 USD/oz và tiếp tục rớt về 1.745 USD/oz thì đó là một chỉ báo xấu. “Sau đó, giá vàng có thể tụt về 1.680 USD/oz”, ông Lusk nói.
Ngoài tuyên bố của Fed vào ngày thứ Tư và của BOE vào ngày thứ Năm tuần tới, thị trường còn hướng sự chú ý tới báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.
Các nhà phân tích dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 413.000 công việc trong tháng 10 và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,7%. Tình hình thị trường lao động của Mỹ là nhân tố có thể nói là quan trọng nhất chi phối chính sách của Fed. Một thị trường việc làm phục hồi nhanh có thể khiến Fed đẩy nhanh tốc độ thắt chặt, và ngược lại.