Cơ cấu của doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, tính hết tháng 7/2020, đơn vị "tỷ USD". Biều đồ: T.Bình.
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước 7 tháng đầu năm 2020 đạt 286,82 tỷ USD, giảm 0,8%, tương ứng giảm 2,19 tỷ USD so với cùng kỳ 2019. Trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 172,86 tỷ USD, giảm 5,1% (tương ứng giảm 9,28 tỷ USD), nhưng vẫn chiếm tỉ trọng 60,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Ngược với sự sụt giảm của doanh nghiệp FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn có sự tăng trưởng khá là 6,6% (tương đương 7,1 tỷ USD) và đạt 113,96 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Ưu thế của doanh nghiệp FDI tập trung nhiều hơn ở lĩnh vực xuất khẩu.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong 7 tháng đầu năm là 95,4 tỷ USD, dù giảm 4,2% (tương ứng giảm 4,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chiếm 64,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Hết tháng 7, nhiều nhóm hàng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI có kim ngạch hàng tỷ USD, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao. Lớn nhất là điện thoại và linh kiện với 24,2 tỷ USD, chiếm trên 92% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Trong khi đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng ddạt 19,8 tỷ USD, chiếm trên 84% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Các nhóm hàng xuất khẩu lớn khác có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp FDI như: dệt may đạt gần 9,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,6 tỷ USD; giày dép đạt 7,2 tỷ USD…
Ở chiều nhập khẩu, doanh nghiệp FDI đạt 77,46 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, giảm 6,2% (tương ứng giảm 5,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 55,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và doanh nghiệp FDI cũng chiếm ưu thế áp đảo với kim ngạch đạt 26,3 tỷ USD, tương đương tỉ trọng trên 80% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.