Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 6, tăng từ mức 52 điểm của tháng. Kết quả chỉ số PMI trung bình cho quý 2/2019 cao hơn kết quả ghi nhận trong ba tháng đầu năm, mặc dù vẫn thấp hơn mức trung bình của năm 2018.
Các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục có mức tăng kỷ lục về số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 6, khi tốc độ tăng đạt mức cao của sáu tháng qua. Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng mức tăng gần đây có được là nhờ vào việc đưa ra các sản phẩm mới và số lượng khách hàng tăng. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại kém tích cực hơn khi chỉ số này tăng chậm nhất kể từ tháng 2. Một số báo cáo cho thấy căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tiêu cực lên số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể dẫn đến tăng lượng công việc tồn đọng trong tháng 6, khiến các công ty phải tuyển thêm nhân viên.
Cùng với việc làm tăng, lượng công việc tăng cũng khuyến khích các nhà sản xuất mua thêm hàng hóa đầu vào trong tháng 6. Một số thành viên nhóm khảo sát báo cáo muốn tăng dự trữ hàng tồn kho. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng và thời gian giao hàng rút ngắn đã cho phép các công ty tăng tồn kho hàng mua suốt ba tháng qua. Mặt khác, hàng tồn kho thành phẩm lại giảm nhẹ tháng thứ hai liên tiếp.
Giá cả đầu vào tăng tương đối nhẹ trong tháng 6. Trong những trường hợp chi phí đầu vào tăng, các thành viên nhóm khảo sát báo cáo giá cả thị trường của một số mặt hàng như dầu và khí đốt tăng. Mức tăng chi phí đầu vào tương đối yếu có nghĩa là các nhà sản xuất đã có thể tiếp tục giảm giá cả đầu ra. Giá cả đầu ra cho đến nay đã giảm 7 tháng liên tục, với tốc độ giảm hầu như ổn định trong suốt quý 2.
Mặc dù các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, song mức độ tin tưởng lại giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ tháng 2. Một số thành viên nhóm khảo sát báo cáo những quan ngại về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung quốc. Ở những nơi dự báo sản lượng tăng, những người trả lời khảo sát cho rằng sự lạc quan có được là nhờ kế hoạch đầu tư kinh doanh, việc đưa ra các sản phẩm mới và khả năng thâm nhập các thị trường mới.
Trong khi PMI của Việt Nam đạt tăng trưởng trong tháng cuối cùng của quý 2/2019 thì PMI của ASEAN lại rơi vào suy giảm do việc làm có xu hướng giảm và sản lượng tăng yếu. Cụ thể, PMI ASEAN giảm từ 50,6 điểm của tháng 5 xuống còn 49,7 điểm trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên trong 4 tháng qua, các công ty sản xuất ASEAN rơi vào đình trệ, nhưng mức độ chỉ là nhỏ. Theo đó, với 52,5 điểm, chỉ số PMI của Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Myanmar (53 điểm).
Nguồn: Baohaiquan.vn