“Lùm xùm” mang tên Euro Auto
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế TPHCM kiểm tra đối với Euro Auto liên quan đến nghi vấn chuyển giá trong hoạt động kinh doanh nhập khẩu xe BMW chính hãng của doanh nghiệp này. Qua kiểm tra, Cục Thuế TPHCM đã điều chỉnh lại giá bán của các xe mà hãng này đã bán ra và xử lý truy thu, phạt gần 6,6 tỷ đồng. Lý do được cơ quan thuế đưa ra: Doanh nghiệp này đã “cố tình” điều chỉnh giá bán có giá trị thấp hơn giá giao dịch thông thường.
Điều đáng nói, cơ quan thuế đưa ra mức phạt này dựa trên kiểm tra sổ sách kế toán của Euro Auto chỉ riêng trong năm 2013. Sau khi có kết quả kiểm tra như vậy, Phó Tổng cục trưởng (Tổng cục Thuế) Phi Văn Tuấn đã có văn bản gửi Cục Thuế TPHCM tiếp tục rà soát, kiểm tra niên độ năm 2014 và trước năm 2013 đối với Euro Auto.
“Nhiều doanh nghiệp, khách sạn lợi dụng điều này (phương án thuê xe của nhà nhập khẩu - PV) để tránh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Ông Phi Văn Tuấn
Chiều 21/8, liên quan vấn đề này, Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông Euro Auto Nguyễn Vũ Thanh Thảo, cho biết: Doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào. Tuy nhiên thực tế, Cục Thuế TPHCM đã thực hiện kiểm tra với doanh nghiệp này và có kết quả truy thu và phạt tiền thuế trước đó nhiều ngày.
Câu chuyện trốn thuế của Euro Auto không phải mới, bởi trước đó, kể từ khi chính thức trở thành nhà nhập khẩu xe BMW vào thị trường Việt Nam (2007), Euro Auto từng dính “phốt” năm 2012. Khi đó, doanh nghiệp này bị Cục Hải quan TPHCM truy thu gần 83 tỷ đồng do sai phạm sau thông quan từ ngày 1/1/2010 đến 29/6/2012. Lý do, nhiều khoản chi phí đáng ra doanh nghiệp phải cộng vào để tính thuế lại được doanh nghiệp này “quên” khai báo.
Mập mờ xe cũ, xe mới
Sau khi kiểm tra tại Euro Auto, Tổng cục Thuế tiếp tục có công văn gửi các cục thuế địa phương yêu cầu kiểm tra, rà soát doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối ô tô khác. Tổng cục Thuế đưa ra nhiều mánh khóe trốn thuế khác của các doanh nghiệp nhập ô tô để các đơn vị thuế địa phương nắm bắt và xử lý.
Ví dụ một số doanh nghiệp kinh doanh ô tô thực hiện nhập khẩu bán buôn và bán lẻ ô tô mới, nhưng lại đứng tên làm thủ tục đăng ký xe với tên của công ty nhập khẩu với mục đích cho thuê lại. “Thực chất việc này, ô tô nhập mới sẽ đưa vào sử dụng tại Việt Nam với danh nghĩa tài sản của công ty nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng sẽ được hoàn lại theo quy định của pháp luật thuế hiện hành”, ông Phi Văn Tuấn đánh giá.
Bên cạnh đó, khách hàng của công ty kinh doanh ô tô nhập khẩu dù có khả năng mua xe mới vẫn ưu tiên phương án thuê xe để được khấu trừ chi phí đầu vào. “Việc này dẫn tới nhiều doanh nghiệp khách sạn lợi dụng để tránh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Phi Văn Tuấn cho hay. Hồi đầu tháng, Lexus Việt Nam vừa bàn giao 3 chiếc Lexus ES350 cho khách sạn Sheraton Hà Nội. Tuy nhiên, chưa rõ hình thức hợp tác giữa hai bên như thế nào, có nằm trong những chiêu trò mà Tổng cục Thuế chỉ ra hay không.
Tổng cục Thuế cho biết thêm, theo hợp đồng đã ký, các khách hàng thuê xe có thể được mua lại xe thuê với mức giá rất thấp, chỉ bằng khoảng 50% mức giá bán mới (sau khi đã khấu hao). “Như vậy, người mua xe tại thời điểm này nếu muốn làm thủ tục chuyển nhượng, đăng ký sẽ giảm được một nửa tiền thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ so với khi mua. Song thực chất họ đã sử dụng xe này từ lúc nhập khẩu mới”, ông Phi Văn Tuấn cho hay.
Theo Tuấn Đức
Tiền Phong