Các quốc gia có thu nhập thấp, từ vùng Caribe đến Châu Phi, đã phải vay vốn từ IMF trong những năm gần đây để đối phó với các khủng hoảng như đại dịch Covid-19, dẫn đến việc gia tăng các khoản nợ.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston cho biết, mặc dù IMF có một cơ chế được gọi là Quỹ Cứu trợ Phòng ngừa Thảm họa (CCRT), nhưng cơ chế này chỉ áp dụng cho 30 quốc gia nghèo và hiện chỉ có 103 triệu USD trong ngân quỹ.
CCRT hỗ trợ các quốc gia thành viên thanh toán các khoản nợ cho IMF trong tối đa hai năm, cung cấp gói cứu trợ ngay lập tức và cho phép sử dụng các khoản tiền đó cho các nhu cầu cấp bách khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong một báo cáo: “Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu không thể tiếp cận quỹ CCRT vì cơ chế này không xem xét đầy đủ mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu… và nguồn tài trợ lại rất hạn chế”.
Báo cáo cho biết giải pháp là bán một phần trong tổng số 90,5 triệu ounce vàng dự trữ của IMF, tận dụng giá vàng cao để tăng cường quỹ và hỗ trợ nhiều quốc gia hơn.
Theo nghiên cứu, việc IMF bán 4% số vàng sẽ mang lại 9,52 tỷ USD, đủ để giải quyết nợ cho 86 quốc gia.
“Với giá vàng hiện tại vượt quá 2.600 USD/ounce, việc bán một phần nhỏ lượng vàng có khả năng tạo ra nguồn thu lớn và dễ dàng bổ sung quỹ CCRT,” báo cáo cho biết.
Việc bán vàng của IMF không diễn ra thường xuyên. Lần gần đây nhất IMF bán vàng là vào năm 2009-2010, khi họ bán đi 1/8 lượng vàng dự trữ của mình để tăng khả năng cho vay.
Khi IMF được thành lập vào năm 1944, các quốc gia thành viên đã đóng góp vốn vào tổ chức này bằng vàng, nghĩa là IMF đã tích lũy lượng vàng dự trữ với giá trị chỉ 45 USD/ounce.
Theo báo cáo, các khoản vay của IMF đang chiếm phần lớn trong tổng chi phí trả nợ hàng năm của các quốc gia dễ bị tổn thương.
Báo cáo cũng cho biết, đảo Madagascar ở Ấn Độ Dương sẽ trả 106 triệu USD cho IMF vào năm tới, chiếm 25% tổng chi phí trả nợ của nước này, và dự kiến sẽ tăng lên 158 triệu USD và 41% vào năm 2026.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy Mozambique cũng sẽ phải trả nợ cho IMF nhiều hơn trong khoảng thời gian tương tự.
Họ cho biết, việc bán vàng của IMF sẽ cần có sự đồng thuận từ đa số thành viên trong ban điều hành của IMF và các quốc gia thành viên phải cam kết chuyển phần tiền thu được cho CCRT.
Họ kết luận: “Việc bổ sung quỹ CCRT nên được coi là ưu tiên hàng đầu vì trái ngược với các chương trình cho vay khác của IMF, CCRT không đi kèm điều kiện”.