Tất cả 11 nhóm hàng hóa dịch vụ đều có mức CPI tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,14%, nguyên nhân là do tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của UBND 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; giao thông tăng 0,61%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%; giáo dục tăng 0,19%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%...

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 có mức tăng cao do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung cùng với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng vào mùa cưới nên giá thực phẩm tươi sống ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,57%, thực phẩm tăng 0,37%.

Các chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,84%, chủ yếu là do tăng ở mặt hàng sắt thép, với giá thép trong nước và thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh từ tháng 7/2017.

Theo thống kê, lạm phát cơ bản (trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý như các dịch vụ y tế và giáo dục) trong tháng 10  đã tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,32% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,44%.

Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Nguồn: Doanhnghiepvn.vn