Việc đồng NDT giảm giá có thể gây áp lực lên các đồng tiền khác trong khu vực Châu Á, nhưng điều này lại mở ra cơ hội tích cực cho Thống đốc Kazuo Ueda của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Ngân hàng này sẽ họp vào thứ Tư (18/12) để quyết định liệu có nâng lãi suất lần thứ ba trong năm hay không.

Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều khả năng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục yếu do bị ảnh hưởng, song điều đó có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực từ thuế mới của Mỹ.
Tuy nhiên, điều đó có thể tạo ra thách thức lớn cho các nước xuất khẩu khác trong khu vực, vì đồng tiền của họ cũng sẽ chịu áp lực giảm giá.
Đồng yên Nhật vốn đã biến động mạnh. Vào cuối tháng 7/2024, khi BOJ bất ngờ nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm, động thái này đã khiến đồng yên tăng mạnh, làm gián đoạn các giao dịch chênh lệch lãi suất trên toàn cầu, đồng thời gây ra đợt bán tháo cổ phiếu tại các thị trường phát triển, bao gồm cú giảm mạnh nhất của chỉ số Nikkei kể từ “Thứ Hai Đen” năm 1987. Mức giảm này nghiêm trọng đến mức Thủ tướng mới nhậm chức, ông Shigeru Ishiba, đã đề nghị BOJ giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, nếu đồng nhân dân tệ suy yếu và kéo đồng yên giảm giá theo, những lo ngại đó có thể giảm bớt. Các nhà phân tích dự báo Nhật Bản có thể tăng lãi suất nhiều lần trong năm tới, nhưng một phân tích của Goldman Sachs hồi tháng 9/2024 chỉ ra rằng đồng yên nhạy cảm với biến động của đồng NDT hơn các đồng tiền khác trên thế giới.

Theo Jain Chandresh, chiến lược gia ngoại hối và lãi suất tại BNP Paribas, giả sử Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc thêm 25 điểm phần trăm vào năm sau trong khi đồng NDT xuống khoảng 7,5 NDT/USD (từ mức 7,27 hiện tại) thì khi đó đồng yên Nhật sẽ giảm nhẹ từ mức hiện tại và kết thúc năm sau ở khoảng 156 yên/USD. Nếu không có mức thuế này, đồng yên có khả năng sẽ ở mức 140 yên/USD vào cuối năm 2025.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters