Trong một bài viết trên Economic Bulletin mới đây, ECB cho biết mức lãi suất trung lập – ngưỡng không kích thích cũng không kìm hãm tăng trưởng kinh tế – hiện được ước tính nằm trong khoảng 1,75% - 2,25%. ECB lập luận rằng mức này không thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.
Con số này thấp hơn so với phạm vi 1,75% - 2,5% mà Chủ tịch ECB Christine Lagarde đưa ra vào tháng 12/2024, điều này có thể làm gia tăng kỳ vọng về việc ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tăng trưởng kinh tế yếu có khả năng kéo lạm phát giảm xuống, cho phép ECB đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2% sau bốn năm liên tục vượt ngưỡng.
Tuy nhiên, ECB cũng nhấn mạnh rằng ước tính mới này không có nhiều ý nghĩa đối với chính sách tiền tệ, vì mức trung lập không thể được đo lường chính xác và các mô hình kinh tế luôn chứa đựng mức độ bất định rất cao.
"Những bất định cố hữu cũng như hạn chế về mặt khái niệm làm giảm tính hữu ích của các ước tính về lãi suất trung lập trong việc định hướng chính sách tiền tệ theo thời gian thực," ECB cho biết.
Mức lãi suất trung lập đã trở thành chủ đề được quan tâm trong những tháng gần đây, sau khi một số nhà hoạch định chính sách cho biết đây sẽ là mục tiêu tiếp theo, đồng thời ECB cũng loại bỏ cam kết duy trì chính sách " đủ thắt chặt ".
Ước tính mới này cho thấy mức lãi suất tiền gửi hiện tại của ECB ở mức 2,75% vẫn cao hơn phạm vi trung lập, đồng nghĩa với việc cần ít nhất hai lần cắt giảm nữa để chạm tới mức trần của ước tính. Thị trường hiện cũng dự báo sẽ có từ ba đến bốn đợt cắt giảm trong năm nay do ECB ngày càng lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu.
Báo cáo cũng khẳng định mức lãi suất trung lập – còn gọi là " r* " trong ngôn ngữ của ngân hàng trung ương – không có sự thay đổi đáng kể kể từ sau đại dịch, mặc dù có một số ước tính trái ngược.
"Sau một đợt tăng nhẹ hậu đại dịch, phạm vi ước tính về lãi suất trung lập của khu vực đồng euro nhìn chung vẫn giữ nguyên kể từ cuối năm 2023 và phù hợp với các tài liệu trước đó," ECB cho biết.
Trong khi một số nhà hoạch định chính sách đã đề xuất các mức lãi suất trung lập riêng của họ như một định hướng tiềm năng cho chính sách, nhiều quan chức - đặc biệt là trong Hội đồng ECB, lại tỏ ra thận trọng với việc sử dụng bất kỳ con số nào.
"Mức trung lập là một khái niệm phân tích quan trọng nhưng lại không quá hữu ích trong việc thiết lập chính sách tiền tệ, do có quá nhiều yếu tố bất định," thành viên Hội đồng ECB Piero Cipollone nhận định.
Philip Lane, nhà Kinh tế trưởng của ECB, cũng lập luận rằng mức độ thắt chặt của chính sách tiền tệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và không thể chỉ đánh giá qua một chỉ số duy nhất.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters