Virus coronavirus bùng phát mạnh từ tháng 7 đến tháng 9/2021, đã làm tốc độ tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm mạnh so với mức tăng 6,3% và 6,7% trong hai quý đầu năm 2021.
Các nhà lập pháp và nhà kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng đang tranh luận về việc liệu GDP quý 4/2021 có triển vọng tăng trưởng cao, đặc biệt là khi đảng Dân chủ đạt được thỏa thuận về kế hoạch chi ngân sách 1,75 nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden để chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vấn đề khí hậu và thuế.
Tăng trưởng GDP phần lớn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của virus và liệu giá cả có tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng và thị trường việc làm có làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng khi bước vào kỳ nghỉ lễ hay không.
Báo cáo ngày 28/10/2021 của Cục Phân tích Kinh tế cho thấy quý 3/2021 kinh tế Mỹ tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ khi kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng trong quý 4/2021 kinh tế Mỹ sẽ khả quan hơn.
Các ca nhiễm coronavirus mới ở Mỹ đã giảm gần 60% kể từ đợt tăng đột biến vào tháng 9 do biến thể delta. Một số thay đổi lớn nhất của thời kỳ coronavirus là thói quen mua hàng của người Mỹ - như tăng mạnh mua xe ô tô làm tăng lạm phát và phá hủy chuỗi cung ứng – hiện cũng bắt đầu bình thường hóa. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp đã được cải thiện trong tháng 10/2021.
Khi có nhiều xu hướng tích cực và giả sử không có bất kỳ sự cố lớn nào trong ba tháng cuối năm thì nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng hơn 5% trong cả năm 2021, đây sẽ là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1984 khi GDP tăng hơn 7%, phục hồi sau thời kỳ suy thoái kép.
Ông Jason Furman – chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, đã đưa ra những lý do mà ông cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng hơn nữa. Nền kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng của thời kỳ chưa có đại dịch, vì vậy sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Người lao động sẽ trở lại làm việc, các trường hợp nhiễm Coronavirus đang giảm và các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, góp phần vào tăng trưởng GDP.
Ông Furman, chuyên gia kinh tế của Đại học Harvard cho biết: Nền kinh tế Mỹ có rất nhiều thách thức, không thể tăng trưởng mạnh như nửa đầu năm nay, nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.
Trong năm nay, nhu cầu và nguồn cung tăng đột biến đã làm lệch lạc chi tiêu của người tiêu dùng. Thu nhập và chi tiêu tăng mạnh do được viện trợ liên bang trong nửa đầu năm đã cạn kiệt trong quý 3/2021. Ví dụ, doanh số bán ô tô đã tăng vọt gần 40% từ đầu đại dịch cho đến quý 2/2021, thúc đẩy GDP tăng cao, nhưng quý 3/2021 sụt giảm 18%, đã góp phần làm GDP giảm 2,4 điểm phần trăm do tình trạng thiếu chip và các vấn đề khó khăn trong chuỗi cung ứng.
Việc đầu tư xây dựng và cải tạo nhà mới cũng giảm 0,4 điểm phần trăm do thiếu hụt vật liệu xây dựng; nhưng chi tiêu cho dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng khi nền kinh tế mở cửa trở lại, khiến các nhà kinh tế lạc quan về những tháng cuối năm 2021.
Theo một báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng đang hồi phục, tăng 3,6% trong tháng 10/2021 sau khi giảm cả ba tháng trong quý 3/2021. Chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng trong kỳ nghỉ lễ, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trong vòng một tháng và trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch mới.
Theo Báo cáo, trong quý 3/2021 nền kinh tế Mỹ có xu hướng khó khăn tăng dần. Vào tháng 7/2021 có thêm 943.000 việc làm, nhưng khi biến thể Delta lan rộng, tháng 8 chỉ có thêm 235.000 việc làm và niềm tin của người tiêu dùng giảm dần, trong tháng 9 chỉ có 194.000 việc làm, thấp nhất kể từ tháng 1/2021, với việc thuê nhân viên ở các quán bar, nhà hàng và khách sạn khó khăn.
Trong khi đó, khó khăn trong chuỗi cung ứng đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 13 năm. Các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed và Nhà Trắng đã thừa nhận rằng lạm phát đang kéo dài và tăng cao hơn so với dự kiến, đồng thời cho rằng giá cả sẽ không giảm cho đến khi các chuỗi cung ứng thông thóang.
Các doanh nghiệp cũng đang hy vọng vào sự tăng trưởng trong tương lai. Ông Chad Moutray, chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 4% trong quý 4/2021 và tăng 5,5% trong cả năm 2021 khi nhu cầu vẫn ở mức cao.
Báo cáo dự báo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại mô hình chi tiêu theo phong cách năm 2019, với chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như làm tóc và du lịch, đồng thời chi tiêu ít hơn ở các nhóm hàng như ô tô mới, lò sưởi ngoài trời và máy giặt, điều này đã nằm trong kế hoạch chi ngân sách Biden trị giá 1,75 nghìn tỷ USD.
Khi coronavirus bùng phát, người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm khoảng một nửa chi tiêu cho các dịch vụ vận tải, chẳng hạn như đi lại bằng đường hàng không, đi chung xe và tàu hỏa, nhưng hiện nay các lĩnh vực này đang trên đà phục hồi. Gần một nửa số người tham gia cuộc khảo sát gần đây của Conference Board cho biết họ có kế hoạch đi du lịch trong sáu tháng tới - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong quý 3/2021, chi tiêu cho các dịch vụ như: Hàng không Southwest Airlines, Lyft và Amtrak vẫn tăng 9%, ngay cả khi mọi người bỏ thói quen chi tiêu vào các hàng hóa liên quan đến giao thông vận tải như xe ô tô và phụ tùng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/washingtonpost