Kết quả một loạt các cuộc khảo sát vừa công bố cho thấy hoạt động nhà máy của Trung Quốc đại lục tăng mạnh trong tháng 6/2022, nhưng suy giảm diễn ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Điều này nhấn mạnh sự căng thẳng từ sự gián đoạn nguồn cung, chi phí gia tăng và tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài.
Một cuộc khảo sát riêng cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc vào tháng 6 đã đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất trong 13 tháng, khi việc dỡ bỏ phong tỏa khiến các nhà máy phải “chạy đua” để đáp ứng nhu cầu cao.
Việc lùi lại các đợt phong tỏa của Trung Quốc có thể giúp giảm bớt các khó khăn trong chuỗi cung ứng, cho phép các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất khác tiếp tục hoạt động sau khi bị gián đoạn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo về những rủi ro mới, chẳng hạn như việc tăng mạnh lãi suất của Mỹ nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao sẽ đẩy kinh tế nước này vào suy thoái và ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu.
Việc thắt chặt chính sách ở nhiều nền kinh tế khác trong bối cảnh áp lực giá tiêu dùng tăng vọt đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính rung chuyển trong những tháng gần đây.
Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life của Nhật Bản, cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại sau một thời gian suy yếu. Đó sẽ là một cuộc giằng co giữa hai luồng nhận định, khi vẫn không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu."
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản do Ngân hàng au Jibun Bank Japan công bố đã giảm từ mức 53,3 của tháng 5 xuống 52,7 trong tháng 6, song vẫn duy trì trên mức 50 điểm.
Chỉ số S&P Global PMI của Hàn Quốc cũng giảm từ mức 51,8 của tháng 5 xuống 51,3 trong tháng 6, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp do hạn chế nguồn cung và cuộc đình công của các chủ xe tải vào tháng 6.
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc - được coi là đại diện cho thương mại toàn cầu bởi các nhà sản xuất của quốc gia này có vị trí ở nhiều nơi trong chuỗi cung ứng thế giới - tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 19 tháng vào tháng 6.
Ở khía cạnh khác, PMI sản xuất của Trung Quốc do Caixin/Markit công bố đã tăng từ 48,1 của tháng 5 lên 51,7 trong tháng 6, đánh dấu lần mở rộng đầu tiên trong 4 tháng. Con số này cao hơn nhiều so với mức 50,1 mà các nhà phân tích đã kỳ vọng.
Cuộc khảo sát của Caixin - tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và định hướng xuất khẩu ở các vùng ven biển - cho thấy các ngành dịch vụ và nhà máy của nước này tính đến tháng 6 đã giảm hoạt động trong ba tháng.
Chỉ số &P global PMI của Đài Loan đã giảm từ 50,0 trong tháng 5 xuống 49,8 trong tháng 6, trong khi của Việt Nam giảm từ 54,7 trong tháng 5 xuống 54,0 vào tháng 6.
Các đợt phong tỏa tại Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và hậu cần khu vực, cũng như toàn toàn cầu. Hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc đều báo cáo sản lượng sụt giảm mạnh.
Các biểu đồ phân tích kỹ thuật cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi sau những cú sốc về nguồn cung ảnh hưởng từ việc phong tỏa nghiêm ngặt, mặc dù vẫn còn các rủi ro như khách hàng giảm nhu cầu chi tiêu và lo sợ về một làn sóng nhiễm Covid-19 mới.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)