Văn phòng Nội các Nhật Bản hôm 15/11 thông báo trong quý 3/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này giảm khoảng 0,8% so với quý liền trước và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này suy giảm tăng trưởng sau hai quý tăng trưởng liên tiếp, nhưng là quý tăng trưởng âm thứ 5 trong 8 quý gần nhất. Nguyên nhân được cho là bởi tiêu dùng, chi tiêu kinh doanh và xuất khẩu đều giảm do đợt bùng phát Covid-19 mùa hè và nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là thiếu chip và linh kiện, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của nước này.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 3/2021, GDP danh nghĩa của nước này giảm với tốc độ chậm hơn, ở mức 0,6% so với quý trước và 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc tăng trưởng âm trong quý trên, nhiều khả năng GDP của Nhật Bản sẽ không thể hồi phục ở mức trước đại dịch COVID-19 như kỳ vọng của chính phủ nước này vào cuối năm nay.
Nhật Bản đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 cũng như sự sụt giảm về doanh số bán xe ô tô do tình trạng thiếu hụt chíp bán dẫn và các linh kiện khác trên toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quý 3 vừa qua, Nhật Bản đã phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5 của dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới liên tục tăng. Ngày 8/7, Chính phủ Nhật Bản đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 ở thủ đô Tokyo ngay trước thềm lễ khai mạc Olympic Tokyo. Sau đó tình trạng khẩn cấp đã liên tục được mở rộng phạm vi áp dụng ở nhiều tỉnh thành. Chịu ảnh hưởng của tình trạng khẩn cấp, mức tiêu dùng cá nhân trong quý trên đã giảm 1,1% do chi tiêu cho các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn và du lịch giảm mạnh.
Trong khi đó, các hãng chế tạo ô tô của Nhật Bản đã buộc phải cắt giảm sản lượng vì nguồn cung ứng chíp bán dẫn và linh kiện bị hạn chế do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á. Điều này đã khiến cho đầu tư vào hoạt động kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm với mức tương ứng là 3,8% và 2,1%.
Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy xuất khẩu trong tháng 10 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với dự báo thị trường trung bình về mức tăng 9,9% trong một cuộc thăm dò của Reuters. Đây là kết quả tăng thấp nhất sau 7 tháng tăng mạnh, thấp hơn nhiều mức tăng xuất khẩu 13% của tháng 9.
Xuất khẩu tháng 10 của Nhật Bản tăng chậm nhất trong vòng 10 tháng do xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc chậm lại, làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu do tình trạng hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Việc xuất khẩu tăng chậm lại cho thấy khả năng dễ bị tổn thương của Nhật Bản đối với các nút thắt trong chuỗi cung ứng, đặc biệt gây gián đoạn cho ngành công nghiệp xe hơi và làm lu mờ triển vọng về nhu cầu ở nước ngoài.
Xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, tăng 9,5% trong 12 tháng tính đến tháng 10, chậm lại so với mức 10,3% của tháng trước do lượng xe xuất khẩu đến nước này giảm 46,8%. Xuất khẩu đến Mỹ, một thị trường quan trọng khác của hàng hóa Nhật Bản, cũng chỉ tăng 0,4% trong tháng 10, cũng do xuất khẩu ô tô giảm, giảm 46,4%.
Trong khi đó, nhập khẩu tăng 26,7% trong năm tính đến tháng 10, so với ước tính trung bình tăng 31,9%, đưa cán cân thương mại thâm hụt 67,4 tỷ yên (586,60 triệu USD), so với ước tính trung bình thâm hụt 310 tỷ yên.
Một dữ liệu khác của chính phủ cho thấy đơn đặt hàng máy móc cốt lõi, đóng vai trò là chỉ báo hàng đầu về chi tiêu vốn trong sáu đến chín tháng tới, đã không đổi trong tháng 9 so với tháng trước, thấp hơn với mức tăng dự kiến 1,8%. Các đơn đặt hàng cốt lõi yếu hơn dự kiến cho thấy sự miễn cưỡng của công ty Nhật Bản trong việc cam kết chi tiêu vốn mạnh hơn vì sự tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu gây rủi ro cho triển vọng sản lượng và xuất khẩu. Các nhà sản xuất dự kiến đơn đặt hàng cốt lõi sẽ tăng 3,1% trong tháng 10-12, sau khi tăng 0,7% trong quý trước.
GDP giảm là điều kiện để Thủ tướng Kishida có thêm lý do để tung các chính sách kích thích nhằm khôi phục kinh tế Nhật Bản. Ngoài việc tung kích thích ngắn hạn, ông đã bóng gió về việc muốn bảo đảm tăng trưởng trong trung và dài hạn, cũng như cân bằng thu nhập cho các nhóm người lao động.
Chính phủ Nhật dự kiến sẽ công bố gói kích thích tài khóa trị giá "vài chục nghìn tỷ yên" vào thứ Sáu (19/11) , nhằm “xoa dịu nỗi đau” do đại dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế. Các gói kích thích tài khóa sẽ có quy mô trên 40.000 tỷ yen (350 tỷ USD).
Ông Kishida cũng từng nói sẽ phát 100.000 yen cho những người từ 18 tuổi trở xuống. Các chính sách khác gồm tăng trả lương cho điều dưỡng, giảm thuế cho các công ty nâng lương và khôi phục hỗ trợ di chuyển nội địa. Chính phủ nước này cũng sẽ dành 2,5 triệu Yên hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm do tác động của dịch COVID-19 và tăng khoảng 3% lương cho những người làm việc ở trường mẫu giáo hoặc chăm sóc trẻ em như y tá.
Dự kiến gói kích thích kinh tế trên sẽ được trích từ các nguồn ngân sách còn lại trong tài khóa 2020, phát hành trái phiếu mới và khoản ngân sách bổ sung mà chính quyền của Thủ tướng Kishida dự định ban hành sau khi được thông qua trong một phiên họp quốc hội bất thường. Ngân sách sẽ tài trợ một số biện pháp chính sách cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4/2022.
Giới chuyên gia cho rằng khoản ngân sách bổ sung có thể ảnh hưởng đến nguồn tài chính của Chính phủ Nhật Bản - vốn ở mức xấu nhất trong số các nền kinh tế phát triển, với mức nợ công lên tới hơn 1.200 tỷ Yên tính đến tháng 3 vừa qua. Do đó, Chính phủ Nhật Bản dự định hỗ trợ khởi động lại chương trình "Đi du lịch" nhằm trợ cấp chi tiêu du lịch để hỗ trợ ngành du lịch trước các tác động của COVID-19. Chương trình này đã bị đình chỉ trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh.
Nhật Bản hiện hồi phục với tốc độ chậm hơn nhiều so với các nền kinh tế toàn cầu, một phần do chịu ít tác động ở đỉnh dịch. Tuy nhiên, sau đợt hồi phục ban đầu, tăng trưởng lại không đều, khi nhu cầu không bật lên mạnh như nhiều nền kinh tế khác. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng chậm nhất nhóm G7 năm 2022.