Kinh tế Iran ra sao khi Mỹ siết chặt trừng phạt ngành dầu mỏ?
Quyết định mới đây của Mỹ về việc chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Iran.
Kinh tế Iran đã chịu tác động nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, dẫn đến việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2015 đã ký một thỏa thuận với Mỹ và 5 cường quốc khác về việc hạn chế các hoạt động của chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trên.
ASEAN: Cách thức vượt qua khủng hoảng tài chính
Trong bài phân tích đăng trên tờ Bangkok Post, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan Bandid Nijathaworn, hiện là Chủ tịch Quỹ Chính sách công và quản trị tốt, nhận định rằng cho đến nay, ASEAN đã làm tốt và hiện là khu vực tăng trưởng nhanh nhất và năng động nhất thế giới.
Chìa khóa cho sự thành công của tổ chức này là chế độ kinh doanh và đầu tư mở, được hỗ trợ bởi các chính sách tiên tiến và những cải cách cơ cấu sau cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á (AFC).
Những cải cách đó, bao gồm Thỏa thuận về đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) và việc thiết lập đối tác nghiên cứu kinh tế vĩ mô với ba đối tác Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
EC khuyến nghị định hướng chiến lược phát triển của EU
Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) về tương lai của khối dự kiến diễn ra vào ngày 9/5 tại Sibiu, Romania, Ủy ban châu Âu (EC) vừa khuyến nghị 5 định hướng chiến lược về sự phát triển của EU trong giai đoạn 2019-2024 trong bối cảnh thế giới đang ngày càng trở nên đa cực và bất ổn.
BoE nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Anh
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 2/5 đã nâng dự báo tăng trưởng nền kinh tế “xứ sở sương mù” từ mức 1,2% trước đó lên 1,5%. Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 2/5, BoE nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Anh từ 1,2% - mức thấp trong một thập niên được dự báo hồi tháng Hai - lên 1,5%.
BoE dự đoán nền kinh tế Anh tăng trưởng 1,6% trong năm 2020, nhỉnh hơn dự báo được đưa ra trước đó là 1,5%. Kinh tế Anh ước tăng 0,5% trong quý I/2019. Các nhà hoạch định chính sách của BoE giữ vững quan điểm cần thắt chặt chính sách trong tương lai.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động tiêu cực tới các nước ASEAN+3
Ngày 2/5, lãnh đạo tài chính 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (còn gọi là ASEAN+3) đã họp tại Fiji nhằm thảo luận phương thức ứng phó với những tác động tiêu cực xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với các nền kinh tế trong khu vực này.
Cuộc gặp trên diễn ra bên lề hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại khi nghỉ dưỡng Nadi, Fiji.
Theo hãng tin Kyodo, các nước ASEAN+3 đang thảo luận việc bổ sung đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và đồng yen của Nhật Bản vào mạng lưới dự trữ ngoại tệ có quy mô 240 tỷ USD nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu khu vực về thanh toán không dùng tiền mặt
Mạng tin Nikkei Asia Review đăng bài viết về xu hướng không dùng tiền mặt trong thanh toán ở Đông Nam Á, trong đó khẳng định Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu khu vực về thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện tại, số người sử dụng dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động ở các cửa hàng tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn bất cứ nước nào ở châu Á.
Nhiều chính phủ ở khu vực Đông Nam Á đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm xây dựng một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt, trong đó các nước như Việt Nam và Thái Lan đã vượt qua những nước giàu hơn như Singapore và Malaysia trong hoạt động thanh toán điện tử.
“Cuộc chiến” cải dầu Canada-Trung Quốc: Ottawa hỗ trợ nông dân trồng cải dầu
Chính phủ Canada vừa công bố gói hỗ trợ tài chính dành cho nông dân trồng cải dầu, trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu hạt cải dầu của Canada vào thị trường nước này.
Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Marie-Claude Bibeau cho biết, Ottawa sẽ tăng số tiền mà nông dân có thể vay trong khuôn khổ chương trình tài chính của chính phủ lên mức 1 triệu CAD (750.000 USD), so với mức 400.000 CAD hiện nay. Ngoài ra, nông dân trồng cải dầu không phải trả lãi suất đối với khoản vay đầu tiên 500.000 CAD.
ECJ phán quyết về thỏa thuận thương mại tự do EU - Canada
Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 30/4 ra phán quyết rằng các điều khoản của hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada không vi phạm luật pháp EU.
Động thái này đã dỡ bỏ rào cản chính để thỏa thuận có thể được thực thi đầy đủ.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung bước vào giai đoạn quyết định
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 29/4 cho biết tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn mang tính chất quyết định.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox Business Network, Bộ trưởng Mnuchin cho hay cả hai nước đều mong muốn đạt được thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh hai vòng đàm phán tới đây sẽ là giai đoạn quyết định liệu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận hay không.
Trung Quốc nâng cấp phiên bản thứ năm của tờ tiền nhân dân tệ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương - PBoC) đã nâng cấp phiên bản thứ năm của tờ tiền nhân dân tệ (NDT) và sẽ phát hành loạt tiền mới theo phiên bản nâng cấp này từ ngày 30/8 tới.
Theo thông báo của PBoC, đợt phát hành tiền mới lần này bao gồm các tờ tiền mệnh giá 50 NDT (khoảng 7 USD), 20 NDT, 10 NDT, 1 NDT, và các đồng tiền xu mệnh giá 1 NDT, 50 fen và 10 fen. So với loạt tiền hiện đang lưu hành, loạt tiền mới này có màu sắc sáng hơn, hoa văn được chỉnh sửa với đặc điểm chống làm giả.
PBoC sẽ không phát hành mới tờ tiền mệnh giá 5 NDT dịp này do các công nghệ mới ứng dụng với loại tiền này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về sản lượng rượu vang
Thống kê mới nhất của Tổ chức Quốc tế về Nho và Rượu vang (OIV) cho thấy châu Âu vẫn là châu lục sản xuất nhiều rượu vang nhất thế giới năm 2018 với 3 nước Italy (54,8 triệu (hectolitre - hl), Pháp (49,1 triệu hl) và Tây Ban Nha (44,4 triệu hl) đứng đầu trong danh sách các nước có sản lượng rượu vang lớn nhất.
Các nước còn lại trong Top 10 nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới năm 2018 gồm Mỹ, Argentina, Australia, Chile, Đức, Nam Phi và Trung Quốc.
OIV dự báo năm 2019, sản lượng rượu nho khu vực phía Nam bán cầu tiếp tục giảm do nhiệt độ tăng thêm và hạn hán ở Nam Phi dự kiến sẽ tiếp tục tác động tiêu cực.
Bầu cử và những tác động tới quan hệ Australia-Ấn Độ
Mạng Interpreter đăng bài viết của Giáo sư Ian Hall thuộc Trường Quản trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Griffith, trong đó đánh giá triển vọng mối quan hệ Australia-Ấn Độ sau cuộc bầu cử ở hai nước.
Cũng không quá bất ngờ khi Ấn Độ xuất hiện trong chiến dịch vận động tranh cử của Australia. Một trong những động thái cuối cùng của chính quyền Thủ tướng Morrison vừa qua đó là “bật đèn xanh” cho dự án khai thác mỏ Carmichael, một dự án gây nhiều tranh cãi, của tập đoàn Adani (Ấn Độ) tại Galilee Basin thuộc bang Queensland.
Các biện pháp trừng phạt không cản trở được hợp tác Nga-Iran
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga và Iran sẽ không thể cản trở quan hệ hợp tác song phương.
Theo ông Kosachev, hai nước đang thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ trong gần như tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, Moskva và Tehran cũng duy trì đối thoại chính trị mạnh mẽ giữa Tổng thống và bộ trưởng hai nước.
Giao dịch bằng đồng nội tệ đang được thúc đẩy trong ASEAN
Việc thúc đẩy, sử dụng đồng nội tệ sẽ chỉ hoạt động hiệu quả nếu chi phí giao dịch liên quan đến việc đổi một loại tiền của nước này sang loại tiền nước khác đủ thấp để có giá trị.
10 quốc gia ASEAN đã hội nhập nhiều hơn về thương mại và tỷ trọng thương mại nội khối đã tăng đều đặn trong khu vực, nhưng các giao dịch thương mại và đầu tư vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đồng USD.
Đây là loại tiền không chỉ để lập hóa đơn và thanh toán trong các giao dịch nội bộ, mà còn dùng để tham chiếu cho các chính sách tỷ giá hối đoái và sử dụng như một loại tiền tệ dự trữ. Điều này là do ASEAN không có một loại tiền tệ chung như đồng euro.
Kim ngạch thương mại Trung Quốc - Triều Tiên tăng hơn 38%
Hãng thông tấn Yonhap ngày 29/4 cho biết, giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong tháng 3/2019 tăng tới 38,1%, hồi phục trở lại mức đạt được vào 6 tháng cuối năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng, kim ngạch thương mại Triều-Trung hồi phục trở lại là do quan hệ hợp tác kinh tế Triều-Trung trở nên mật thiết sau Hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 không đạt thảo thuận, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Triều Tiên vào Trung Quốc cũng tăng lên.
Thủ đô của Indonesia chuyển khỏi Jakarta
Truyền thông Indonesia đưa tin Tổng thống Joko Widodo đã quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta sang một thành phố khác.
Theo đài phát thanh Sky News, thủ đô mới sẽ được bố trí ở khu vực bên ngoài đảo Java. Mặc dù chưa công bố chính xác vị trí mới, phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết kế hoạch này có thể mất tới 10 năm để thực hiện và vị trí có thể bờ Đông Indonesia.
Hàn Quốc lập đối sách vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm
Hàn Quốc sẽ triển khai một loạt đối sách để vực dậy nền kinh tế khi GDP quý I/2019 tăng trưởng âm 0,3%.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong tháng 5 và tháng 6, chính phủ sẽ lập đối sách thúc đẩy đầu tư tư nhân theo từng ngành nghề, hỗ trợ tối đa để không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể duy trì đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực để Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua dự thảo ngân sách bổ sung vừa được trình lên vào tuần trước, giải ngân sớm ngân sách bổ sung.
IMF: Kinh tế Trung Đông bị tác động tiêu cực bởi lệnh trừng phạt Iran
Theo IMF, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran là một trong yếu tố tác động tiêu cực khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Đông chậm lại. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, tình trạng bất ổn gia tăng tại Trung Đông và Bắc Phi, cùng với biến động dầu mỏ trên thị trường thế giới đang kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực vốn nhiều bạo lực này chậm lại.
Theo Giám đốc phụ trách khu vực Trung Á và Trung Đông của IMF, ông Jihad Azour, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến lạm phát tại Iran tăng lên mức 50%. Tăng trưởng kinh tế chung của khu vực cũng dự kiến vẫn giảm từ mức thấp 1,4% của năm 2018 xuống còn 1,3% trong năm nay.
Qatar khánh thành nhà máy đóng gói trà Lipton và Red Label
Nhà máy đóng gói trà đầu tiên của thương hiệu Lipton và Red Label tại khu công nghiệp New Industrial Area của Qatar đã đi vào hoạt động ngày 28/4. Việc mở cửa Nhà máy này nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp của quốc gia Vùng Vịnh này.
Nhà máy thuộc sở hữu của Công ty Sản xuất Công nghiệp Qatar (QIMC) nói trên là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Qatar Sheikh Abdullah bin Nasser bin Khalifa Al Thani nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Dự kiến, nhà máy sẽ tăng sản lượng trà đóng gói từ 1.200 tấn lên 2.000 tấn trong năm đầu tiên. Nguyên liệu thô sẽ được nhập từ bốn quốc gia là Kenya, Sri Lanka, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo QIMC, Lipton và Red Label là các thương hiệu của tập đoàn Unilever, vốn chiếm lĩnh 2/3 doanh số bán tại thị trường nội địa của Qatar.
Ai Cập vay Trung Quốc 3 tỷ USD để đầu tư trung tâm thương mại
Truyền thông nhà nước Ai Cập ngày 28/4 đưa tin, nước này đã ký một thỏa thuận vay trị giá 3 tỷ USD với Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC).
Việc ký thỏa thuận vay này để thiết kế và xây dựng một khu trung tâm thương mại ở Thủ đô hành chính mới (NAC) của quốc gia Bắc Phi này.
Đợt đầu tiên này sẽ dùng để trang trải các chi phí thiết kế và xây dựng 7 tòa tháp trên tổng diện tích 600.000 m2. Khu trung tâm thương mại này sẽ có 20 tòa tháp, trong đó có một tòa cao 385 m và đây sẽ là tòa nhà cao nhất ở khu vực châu Phi.
Nhật Bản và Canada khẳng định CPTPP "mang lại lợi ích to lớn"
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe cùng hoan nghênh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo khẳng định CPTPP đã "mang lại lợi ích to lớn" cho công dân và doanh nghiệp các nước thành viên.
Thủ tướng Trudeau, thịt bò Canada xuất khẩu sang Nhật Bản đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Sau khi chính thức có hiệu lực, CPTPP đã gỡ bỏ rào cản thương mại giữa 11 nước tham gia kí kết, trong đó có Việt Nam, và đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguồn: VITIC Tổng hợp

 

Nguồn: Vinanet