Kinh tế Mỹ ra sao nếu không đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc?
Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Larry Kudlow nhận định kinh tế Mỹ có khả năng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 3% trong năm nay, thậm chí không cần tới thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tái bùng phát hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đã rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc. Hiện Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, cũng như đe dọa sẽ áp thuế lên tới 300 tỷ USD với số hàng hóa nhập khẩu còn lại, trừ phi hai bên đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Mỹ chưa có thời hạn áp thuế hàng hóa trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối đặt ra thời hạn cho việc áp thuế mới lên số hàng hóa trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ đã nhiều lần đe dọa làm leo thang cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua với Trung Quốc bằng việc áp thuế mới lên gần như toàn bộ số hàng hóa còn lại được nhập khẩu từ nước này, trong đó có điện thoại di động, máy tính và quần áo. Tuy nhiên, ông không đặt ra thời hạn đối với Trung Quốc trong việc thúc đẩy một thỏa thuận trước khi đối mặt với việc bị tăng thuế.
Tổng thống Mỹ tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc
Ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận về thương mại nhằm sớm chấm dứt tình trạng tranh chấp kéo dài nhiều tháng qua vốn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ông cho biết ông không có thời hạn chót cho việc triển khai thêm các biện pháp áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Tổng thống Trump đánh giá mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trong giai đoạn có một chút thử thách.
Đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt các mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 360 tỷ USD của nhau, gây lo ngại cho các thị trường tài chính toàn cầu.
Thế lưỡng nan của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
Lời kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhận được tín hiệu tích cực. Nhưng nếu làm như vậy, Fed có thể rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Viết trên trang Twitter cá nhân hồi giữa tháng 5/2019, Tổng thống Trump nêu rõ: "Trung Quốc sẽ bơm tiền vào hệ thống ngân hàng trong nước và có thể giảm lãi suất như thường lệ để bù đắp cho công việc kinh doanh đang và sẽ thua lỗ. Nếu Fed có thể 'so găng', cuộc chơi sẽ chấm dứt, chúng ta thắng cuộc! Trong bất cứ tình huống nào, Trung Quốc đều muốn có một thỏa thuận".
Hiện nay, Fed giữ lãi suất ở mức 2,25%-2,5%, thấp hơn mức bình quân trong lịch sử. Thực tế này khiến Fed không có dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giảm lãi suất.
Dự báo ưu tiên chính sách EU sau bầu cử Nghị viện
Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về châu Âu (Quỹ Robert Schuman) Pascale Joannin đánh giá cuộc bầu cử EP đã tạo ra tương quan chính trị mới tại châu Âu với nhiều "cực quyền lực" khác nhau.
Được hình thành trong những năm 1990, chính sách thương mại của EU đang rất cần được thay đổi để đáp ứng mong đợi của các công dân châu Âu và để đối phó với những thách thức của tiến trình toàn cầu hóa.
Chính sách thương mại của EU thời gian tới có thể sẽ phải điều chỉnh theo hướng sau: đảm bảo tuân thủ các cam kết của các đối tác thương mại của EU trong khuôn khổ WTO hoặc trong khuôn khổ hiệp định thương mại song phương; bảo vệ hiệu quả các lợi ích của EU, vấn đề mà các quốc gia thành viên không thể đảm bảo được ở cấp độ quốc gia (ví dụ như chính sách phòng vệ thương mại); đưa ra các chính sách nhằm hạn chế tác động tiêu cực về mặt xã hội của hoạt động thương mại (như thất nghiệp, vấn đề môi trường, sức khỏe của người dân).
Dựa trên các cơ sở trên, có thể thấy chính sách thương mại của EU trong tương lai có thể sẽ được xây dựng theo hướng bảo hộ tinh vi hơn. Vì vậy, việc xem xét ký kết hiệp định thương mại tự do giữa EU với các đối tác của khối sẽ trở nên khó khăn hơn.
Nước G7 đầu tiên tuyên bố không phát thải khí nhà kính vào năm 2050
Nước Anh vừa tuyên bố sẽ thực hiện cam kết mới với mục tiêu đưa lượng khí thải nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050 thông qua luật hóa các quy định. Như vậy, Anh là quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra mục tiêu đầy tham vọng này, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Trung Quốc: Lạm phát lên mức cao nhất trong 15 tháng
Theo số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 12/6, lạm phát trong tháng 5 của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng qua do giá thịt lợn và hoa quả tăng trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh và thời tiết xấu hoành hành. Trong khi giá cả leo thang, nhu cầu các mặt hàng này lại suy yếu do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những rủi ro về kinh tế.
Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) - thước đo chính của lạm phát bán lẻ - đã tăng từ mức 2,5% trong tháng 4 lên 2,7% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 2/2018. Các dữ liệu trên phù hợp với dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò do Bloomberg News tiến hành.
Công ty Nomura International cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể tiếp tục chững lại do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, đồng thời khuyến cáo Bắc Kinh có những biện pháp kích thích tài chính nhằm cải thiện lòng tin và ổn định tăng trưởng.
Thái Lan sẽ đánh giá hoạt động nhập khẩu hải sản từ các nước bị thẻ vàng IUU
Bộ Thương mại Thái Lan và Cục Thủy sản nước này sẽ có buổi làm việc vào tuần tới để đánh giá tác động IUU đối với các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh hải sản trong nước.
Phó Tổng Cục trưởng Cục Ngoại thương Thái Lan Wanchai Varavithya cho biết, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đánh cá Thái Lan kém hơn so với các nước đối thủ do tuân thủ chặt chẽ luật và các quy định liên quan đến IUU. Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Thái Lan sẽ cao hơn từ 30-40% so với các nước trong khu vực.
Trung Quốc sẽ mua một lượng gạo trị giá 500 triệu USD của Myanmar
Theo ông U Aung Htoo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Myanmar, một báo cáo của tỉnh Côn Minh (Trung Quốc) cho hay Trung Quốc sẽ mua một lượng gạo trị giá 500 triệu USD của Myanmar và quốc gia này dự định nhập khẩu số máy móc và thiết bị có giá trị tương đương từ Trung Quốc.
Cũng theo ông U Aung Htoo, để thực hiện kế hoạch trên, Myanmar sẽ xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc thông qua đường biển vào tháng 10/2019 theo thỏa thuận cấp chính phủ cũng như theo chương trình hợp tác giữa Côn Minh và Yangon.
Trung Quốc sẽ đáp trả nếu Mỹ cố làm leo thang căng thẳng thương mại
Trung Quốc sẽ đáp trả cứng rắn nếu Mỹ cố làm leo thang căng thẳng thương mại. Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng sẽ áp mức thuế mới nhằm vào hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp tới ở Nhật Bản.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đẩy ngành xe đạp Mỹ vào thế khó
Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu xe đạp cho các công ty Mỹ và các công ty này không dễ dàng chuyển sang các nguồn cung thay thế giữa bối cảnh Bắc Kinh và Washington chưa giải quyết được bất đồng thương mại.
Đó là nhận định của ông Bob Margevicius từ Hiệp hội Các nhà Cung cấp Sản phẩm Xe đạp Mỹ (UBPS).
Theo ông Margevicius, số lượng xe đạp nguyên chiếc Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm khá ổn định, dao động trong khoảng 14-15 triệu chiếc, chiếm hơn 90% tổng số xe đạp được nhập khẩu vào nước này. Tuy nhiên, trong suốt quý I năm nay, lượng xe đạp nhập khẩu đã giảm 450.000 chiếc do chi phí gia tăng bắt nguồn từ việc mặt hàng này bị áp lượt thuế bổ sung đầu tiên.
Thái Lan cấm đánh bắt hải sản tại Vịnh Thái Lan
Chính phủ Thái Lan đã ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản trong một số khu vực thuộc Vịnh Thái Lan trong vòng ba tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, để các loài sinh vật biển có thời gian phục hồi. Khu vực này được giới hạn trong các tỉnh ven biển, gồm Prachuap Khiri Khan, Phetchaburi, Samut Songkhram, Samut Sakhon, thủ đô Bangkok, Samut Prakan, Chachoengsao và Chon Buri.
Lệnh cấm trên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6 đến 15/8 tại khu vực ngoài khơi các tỉnh Prachuap Khiri Khan, Phetchaburi, Samut Songkhram và Samut Sakhon.
Trong khi đó, khu vực ngoài khơi thủ đô Bangkok, các tỉnh Samut Prakan, Chachoengsao và Chon Burisẽ bị đóng cửa từ 1/8 đến 30/9.
Tổng thống Mỹ vẫn trông đợi cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc tại G20
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông vẫn trông đợi tiến hành cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đồng thời tiếp tục gia tăng sức ép với Bắc Kinh khi cảnh báo sẽ áp đặt mức thuế mới nhằm vào hàng hóa Trung Quốc sau sự kiện này nếu giới chức hai nước không đạt được một thỏa thuận thương mại.
Trung Quốc chọn đối đầu thay vì nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ?
Cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thái độ của Trung Quốc đã thay đổi từ kiềm chế ban đầu sang ngày càng cứng rắn.
Dư luận báo chí tại Malaysia cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc cuối tháng trước tuyên bố sẽ thiết lập danh sách thực thể không đáng tin cậy, bao gồm các công ty hoặc cá nhân nước ngoài không tuân thủ các quy tắc thị trường, vi phạm hợp đồng và tiến hành phong tỏa hoặc cắt đứt nguồn cung cấp cho các doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại.
Giới quan sát đánh giá đây rõ ràng là một đòn trả đũa đối với lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Trước đó, ông Trump ký một sắc lệnh cấm các công ty Mỹ mua thiết bị viễn thông do các nước thù địch sản xuất mà không được sự cho phép của chính phủ.
G20 chưa đưa ra được giải pháp cho căng thẳng thương mại Mỹ- Trung
Lãnh đạo tài chính các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí cho rằng những căng thẳng trong thương mại và địa chính trị trên toàn cầu hiện nay ở mức độ nghiêm trọng, song lại không đưa ra cách thức giải quyết vấn đề này trong dự thảo tuyên bố chung dự kiến được công bố sau khi kết thúc cuộc họp ngày 9/6 tại Fukuoka, Nhật Bản.
Theo 3 nguồn tin trong G20, trong ngày họp thứ 2 của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20, lãnh đạo tài chính G20 tái khẳng định đánh giá về tình hình thương mại toàn cầu đưa đưa ra tại Hội nghị G20 hồi tháng 12/2018 tại Buenos Aires (Argentina).
Nguồn: VITIC Tổng hợp