Fed giữ quan điểm kiên nhẫn hơn và giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 12/2018. Các thị trường tài chính hiện theo dõi những tín hiệu thay đổi từ Fed, chủ tịch Fed Jerome Powell. Liệu Fed đã sẵn sàng can thiệp để thúc đẩy nền kinh tế.
Fed sẽ họp chính sách trong hai ngày 18 và 19/6 với khả năng cao giữ nguyên lãi suất ở 2,25 – 2,5%. Fed đã tăng lãi suất 9 lần trong 3 năm qua, khi kinh tế Mỹ phục hồi, đưa hàng triệu người Mỹ trở lại làm việc và giới chức kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng.
Tuy nhiên, các chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đã khiến niềm tin lung lay, một số quan chức ngân hàng trung ương bắt đầu cảm thấy “sự lạnh lẽo trong không khí”. Kỳ vọng chung lúc này là Fed chuyển hướng và bắt đầu giảm lãi suất nhưng chưa rõ khi nào.
James Bullard, chủ tịch Fed thành phố St. Louis, hồi đầu tháng nói sẽ “sớm” cần có một đợt giảm lãi suất. Vài ngày sau, chủ tịch Powell nói Fed sẽ làm mọi việc cần thiết “để duy trì đà tăng trưởng”. Tiếp đó, phó chủ tịch Fed Richard Clarida đề cập khả năng giảm lãi suất trong trường hợp triển vọng kinh tế xấu đi.
Phố Wall hoan nghênh những diễn biến mềm mỏng này, giúp thị trường chứng khoán phục hồi sau các đợt bán tháo trong tháng 5. Thị trường kỳ vọng Fed giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
Ngoài kinh tế, Fed còn phải đối mặt với cả yếu tố chính trị, khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục phá truyền thống, liên tục chỉ trích Powell và Fed vì làm xói mòn nỗ lực thúc đẩy kinh tế Mỹ của ông.
Ông Powell khẳng định Fed sẽ không chịu ảnh hưởng từ áp lực chính trị. Tuy nhiên, chỉ trích có thể khiến các quan chức Fed không muốn đi theo lộ trình Trump mong muốn để chứng minh họ không thể bị tác động – ngay cả khi giảm lãi suất là điều hợp lý, nên làm.
Áp lực lạm phát không đáng kể giúp Fed có dư địa hạ lãi suất. Trong khi đó, kết quả các khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng và hoạt động kinh doanh vẫn tốt, thất nghiệp gần đáy 50 năm và chi tiêu dùng tiếp tục tăng.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế quý II có nguy cơ chỉ bằng nửa quý I. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy yếu còn đầu tư kinh doanh giảm. Tổng thống Trump còn dọa áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, chắc chắn sẽ gây chấn động kinh tế toàn cầu nếu ông thực hiện.
Các dấu hiệu suy thoái dần xuất hiện. Fed New York dự báo tỷ lệ suy thoái xảy ra trong năm 2020 là 1/3 – cao nhất kể từ tháng 5/2008. Theo Oxford Economics, khả năng suy thoái xuất hiện trong 6 tháng tới là 53% nhưng cũng cho rằng thị trường có thể “bi quan quá mức”.
Những diễn biến trên đặt Fed vào tình thế sẵn sàng hạ lãi suất nếu cần mà không phải cam kết.
“Tôi nghĩ giới chức Fed đã làm đúng”, theo Kathy Bostjancic, kinh tế gia về tài chính Mỹ tại Oxford Economics. Bostjancic lưu ý vẫn chưa có “số liệu cứng” rõ ràng để quyết định hạ lãi suất. “Họ chỉ nói đang lắng nghe thị trường và để ngỏ khả năng hạ lãi suất”.
Đồng giám đốc chiến lược đầu tư Amanda Agati tại PNC Financial cho rằng Fed hạ lãi suất, dù chỉ một lần trong năm nay, cũng sẽ là sai lầm.
Nguồn: ndh.vn