Với việc giá cả có thể sẽ tăng hơn nữa trong những tháng tới sau sự gia tăng gần đây của giá các sản phẩm năng lượng, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ về tình hình lạm phát giống như một "bài kiểm tra" quan điểm của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Jerome Powell, người đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời.
Ông Powell và Nhà Trắng đã đổ lỗi cho sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao.
Tỷ lệ lạm phát liên tục ở mức cao đặt ra một thách thức đối với Fed. Cơ quan này đã thông báo có thể sẽ bắt đầu giảm chính sách kích thích tiền tệ trước cuối năm nay, nhưng sẽ không vội nâng lãi suất.
Chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do nhu cầu mạnh mẽ khi các nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhờ hơn 10 nghìn tỷ USD kích thích kinh tế trên toàn cầu, khoảng một nửa trong số đó là ở Mỹ. Đại dịch cũng gây ra tình trạng thiếu lao động trên toàn cầu - nhân tố cần thiết để sản xuất nguyên liệu thô và vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy đến tay người tiêu dùng.
Tổng thống Joe Biden mới đây thông báo rằng Cảng Los Angeles sẽ bắt đầu hoạt động suốt ngày đêm, sau khi Cảng Long Beach đã đi tiên phong trong việc này, để giảm bớt tắc nghẽn. Các nhà bán lẻ như Walmart Inc cũng như các công ty vận chuyển FedEx và UPS (UPS.N) cũng nhất trí chuyển hàng 24 giờ một ngày và bảy ngày một tuần.
Theo thông tin từ Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng của nước này đã tăng 5,4% trong tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với mức tăng theo năm ghi nhận trong tháng Tám. So với tháng trước liền trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín đã tăng 0,4%, cao hơn dự đoán của giới phân tích.
Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, lạm phát tháng Chín tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, và tăng 0,2% so với tháng Tám.
Bộ Lao động Mỹ cho biết hơn một nửa trong mức tăng giá trong tháng trước đến từ sự gia tăng trong giá thực phẩm và tiền thuê nhà. Trong đó, giá thực phẩm tăng 0,9%, còn tiền thuê nhà tăng 0,4%.
Bên cạnh đó, tác động của giá dầu toàn cầu gia tăng cũng được phản ánh trong số liệu nói trên, khi chỉ số giá xăng tăng 1,2% so với tháng Tám và giá năng lượng nói chung tăng 1,3%. So với cùng kỳ năm 2020, giá năng lượng tăng 24,8%, còn giá thực phẩm tăng 4,6%.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chật vật do sự gia tăng giá cả trong năm nay, khi các công ty hoạt động trở lại sau khi phải đóng cửa do dịch Covid-19 trong năm 2020, và các chuỗi cung ứng cũng đang chịu áp lực từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters)