Theo đó, chỉ số gia tiêu dùng (CPI) lõi, đã loại trừ thực phẩm tươi sống, chỉ tăng 0,5% trong tháng 7 so với một năm trước (dự báo +0,5%); nếu loại trừ thực phẩm tươi sống và năng lượng, giá cả tăng 0,1% (dự báo +0,1%). CPI tổng thể 0,4% (dự báo +0,4%).
Mức tăng giá vẫn thấp hơn mức mục tiêu 2% của BOJ ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục được mở rộng. Điều đó đã khiến BOJ lần thứ 6 buộc phải lui lại thời gian dự kiến để đạt được mục tiêu lạm phát trong cuộc họp chính sách tháng 7, mặc dù đã nhiều năm duy trì chính sách siêu nới lỏng.
Đáng chú ý lạm phát trừ đi thực phẩm tươi sống và năng lượng hầu như bằng phẳng. Tất cả điều này có nghĩa là BOJ có thể sẽ tiếp tục với chính sách kích thích của mình trong khi các đối tác ở Mỹ đang thắt chặt lại tiền tệ, còn các đối tác tại châu Âu cũng đang cân nhắc lại chính sách của mình.
 
“Báo cáo xác nhận rằng đà tăng của giá dầu đã đóng góp quan trọng đẩy giá tiêu dùng tăng sau một thời gian trì trệ”, Atsushi Takeda - một nhà kinh tế tại Itochu Corp. cho biết. “Tuy nhiên, chỉ số CPI cơ bản thấp cho thấy áp lực lạm phát không tăng được sức kéo trên thực tế”.
Yasutoshi Nagai - Chuyên gia kinh tế trưởng của Daiwa Securities Co. cũng cho biết, lạm phát có lẽ sẽ không đạt được 1% vào cuối năm nay. “Bạn không thể mong đợi giá dịch vụ sẽ tăng vào giữa năm tài chính bởi vì các công ty thường có xu hướng thay đổi giá trong tháng 4 vào đầu năm tài chính”, ông nói.
Bức tranh cho thấy tình trạng lạm phát yếu sẽ tiếp diễn, Masaki Kuwahara - chuyên gia kinh tế cao cấp của Nomura Securities Co. cho biết và nói thêm rằng, đó không phải là điều mà BOJ muốn. Ông nói: “Nền kinh tế là tốt, nhưng tôi nghĩ rằng vẫn còn nhiều khó khăn để lạm phát tăng nhanh hơn. Việc đạt được mục tiêu (lạm phát 2%) của BOJ vào năm 2019 sẽ rất khó khăn”.
Chuyên gia kinh tế của Bloomberg Intelligence, Yuki Masujima, cũng viết trong phân tích của ông rằng dữ liệu chỉ cung cấp một tín hiệu tích cực khá khiêm tốn cho triển vọng lạm phát, với chỉ số (lạm phát) tháng tám của Tokyo chỉ ra sự tăng tốc nhẹ của giá cả trên toàn quốc.
“Các động lực cơ bản của lạm phát đã mạnh hơn, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 2 đã đẩy khoảng sản lượng vào vùng tích cực”, Masujima viết. “CPI cơ bản tăng 1% trong tháng 9 là có khả năng, giả sử giá dầu ổn định và sự suy giảm giá trị của đồng yên ở mức trung bình”. Tuy nhiên lạm phát có thể sẽ chậm lại vào cuối năm, ông nói thêm.
Rõ ràng dữ liệu yếu ớt về lạm phát tại Nhật có thể sẽ khuyến khích Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda giữ nguyên chính sách tiền tệ.

Nguồn: Thoibaonganhang.vn