Cảnh báo dồn dập
"Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, kiểm soát thông tin về việc có doanh nghiệp Việt tiếp tay cho hàng Trung Quốc né thuế vào Mỹ", đại diện một hiệp hội ngành hàng chia sẻ với PV.VietNamNet. Vị này cũng nói rằng "đây là thông tin rất nhạy cảm, cho nên cần phải làm thật cẩn thận".
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan kiểm soát chặt một mặt hàng của Trung Quốc mà đang có thông tin bị phía Cục Hải quan và biên phòng Mỹ điều tra. Bởi, mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Hồi giữa tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng có ký văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu rõ rằng: Hoa Kỳ đã nâng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời dự kiến sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung cho khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nữa từ Trung Quốc vào Mỹ.
Trước những diễn biến cho là "phức tạp" này, Bộ Công Thương đề nghị VCCI kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Đặc biệt là các mặt hàng liệt kê tại một danh mục được Bộ Công Thương gửi kèm; lưu ý các doanh nghiệp có lượng xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến, nhất là các doanh nghiệp từ trước tới nay chưa hoặc ít khi xin cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài việc kiểm tra kỹ chứng từ, hồ sơ khai báo của thương nhân, Bộ Công Thương đề nghị VCCI tăng cường công tác xác minh năng lực sản xuất thực tế của thương nhân và xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Nghị định 31 quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho hay: Đầu tư của khu vực châu Á, trong đó có Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng lên. Đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam 6 tháng là 2,2 tỷ USD, xếp thứ 3 trên 95 nước.
"Việc chuyển dịch đầu tư này chúng tôi đã có Đề án nghiên cứu tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp". Theo đó, có khả năng doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam khi Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc", ông Nguyễn Nội chia sẻ.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho hay đang theo dõi chặt chẽ dòng vốn đầu tư này để kịp thời ngăn chặn các dự án lợi dụng để gian lận xuất xứ, tác động không tốt đến môi trường.
TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, nhận định: Nếu không kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa thì phía Mỹ có thể tăng cường những biện pháp kiểm soát phi thuế quan với hàng xuất xứ Việt Nam, tức là nâng tầm giám sát phi thuế quan của cửa khẩu phía Mỹ lại. Điều này làm tăng chi phí của DN khi xuất khẩu vào Mỹ.
"Nghiêm trọng hơn, phía Mỹ có thể tạm dừng nhập, hay điều tra chống bán phá giá hoặc gian lận thương mại. Khi đó, các DN bình thường của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng", chuyên gia này chia sẻ và cho rằng phải kiểm soát chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Công ty TNHH Luật Bizlink, cho rằng: Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp Trung Quốc không xuất được trực tiếp thì có khả năng qua kênh Việt Nam và một số nước để tuồn hàng vào Mỹ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận, đánh mất lòng tự tôn dân tộc làm việc đó thì rất nguy hiểm cho Việt Nam. Khi các cơ quan của Mỹ áp dụng biện pháp kiểm soát thì chính DN Việt Nam bị thiệt hại, bao gồm cả những doanh nghiệp chân chính.
Ngày 20/6, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên nước ngoài đã nêu câu hỏi về thông tin cho rằng thời gian qua xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc gắn nhãn "Made in Vietnam" để xuất sang Mỹ, Việt Nam đã có biện pháp gì chưa?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác.
Nguồn: Lương Bằng/Vietnamnet