Gieo trồng lúa đông xuân năm nay đầu vụ gặp thuận lợi về thời tiết, cây lúa sớm bén rễ và đẻ nhánh nhưng trong giai đoạn lúa sinh trưởng, thời tiết trái vụ, nắng nóng kéo dài khiến lúa trổ bông cho thu hoạch sớm, làm giảm năng suất. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3.123,9 nghìn ha, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.117,1 nghìn ha, bằng 99,1%; các địa phương phía Nam đạt 2.006,8 nghìn ha, bằng 101,6%.
Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 65,7 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha so với vụ đông xuân trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 63,5 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 66,9 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha. Một số tỉnh năng suất lúa đông xuân giảm so với cùng kỳ năm trước: Bến Tre giảm 8,3 tạ/ha; An Giang giảm 2,5 tạ/ha; Cần Thơ giảm 2 tạ/ha; Bắc Ninh giảm 1,9 tạ/ha; Kiên Giang giảm 1,9 tạ/ha; Hải Dương giảm 1,6 tạ/ha; Hà Nội giảm 1,4 tạ/ha; Hải Phòng giảm 0,3 tạ/ha. Sản lượng lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 20,5 triệu tấn, giảm 84,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2018, trong đó sản lượng lúa đông xuân ở miền Bắc đạt 7,1 triệu tấn, giảm 140,2 nghìn tấn (riêng Đồng bằng sông Hồng đạt 3,4 triệu tấn, giảm 94,9 nghìn tấn do một phần diện tích gieo trồng được chuyển đổi sang sử dụng cho mục đích khác), miền Nam đạt 13,4 triệu tấn, tăng 55,7 nghìn tấn (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,9 triệu tấn, tăng 41 nghìn tấn).
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.881,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.502,7 nghìn ha, bằng 98,6%. Tính đến trung tuần tháng Sáu, lúa hè thu ở các tỉnh miền Bắc đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh, tại các tỉnh miền Nam lúa hè thu chính vụ đang vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, cây lúa sinh trưởng và phát triển tương đối tốt. Đến nay, đã có 193 nghìn ha lúa hè thu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 108,8% cùng kỳ năm 2018.
Đến giữa tháng 6/2019, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 558,7 nghìn ha ngô, bằng 100,1% cùng kỳ năm trước; 79,6 nghìn ha khoai lang, bằng 98,8%; 23,8 nghìn ha đậu tương, bằng 97,5%; 137,8 nghìn ha lạc, bằng 96%; 706,6 nghìn ha rau, đậu, bằng 102,7%.
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 3.504,1 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.211,2 nghìn ha, giảm 0,1%; nhóm cây ăn quả đạt 1.008,6 nghìn ha, tăng 8,3%; nhóm cây lấy dầu đạt 176,9 nghìn ha, tăng 3,7%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 48,5 nghìn ha, giảm 5,2%; nhóm cây lâu năm khác đạt 58,9 nghìn ha, tăng 56,2%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè đạt 462,5 nghìn tấn, tăng 5,4%; cao su đạt 372,7 nghìn tấn, tăng 5,9%; điều đạt 283,3 nghìn tấn, tăng 6,3%; hồ tiêu đạt 250,9 nghìn tấn, tăng 0,4%. Sản lượng một số cây ăn quả đạt khá: Chôm chôm đạt 208,4 nghìn tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018; xoài đạt 516,6 nghìn tấn, tăng 7,8%; dứa đạt 379,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 312,3 nghìn tấn, tăng 3,8%.
Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng. Tính đến ngày 25/6/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.389 xã, 458 huyện của 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số lợn phải tiêu hủy trên cả nước là 2,82 triệu con, chiếm 10% tổng đàn, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng chịu thiệt hại lớn nhất với số lợn bị tiêu hủy là 2,1 triệu con. Tổng đàn lợn của cả nước tháng Sáu giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 1.801,2 nghìn tấn, giảm 4,7% (quý 2 đạt 796,8 nghìn tấn, giảm 12,4%). Đàn trâu cả nước trong tháng 6/2019 tiếp tục giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp, một số hộ đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ khi địa phương thu hồi đất nông nghiệp để đầu tư, xây dựng khu công nghiệp; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 51,2 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (quý 2 đạt 24,8 nghìn tấn, tăng 3,8%). Đàn bò phát triển khá với mức tăng trong tháng đạt 2,6% do thuận lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ, người chăn nuôi có lãi ổn định; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 192,5 nghìn tấn, tăng 3,8% (quý 2 đạt 93,2 nghìn tấn, tăng 5,2%); sản lượng sữa bò 6 tháng đạt 508,4 nghìn tấn, tăng 8,2% (quý 2 đạt 256,2 nghìn tấn, tăng 9%). Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, thị trường tiêu thụ ổn định, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn. Đặc biệt trong quý 2, khi tình hình dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thay thế thịt lợn. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 6/2019 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 660,9 nghìn tấn, tăng 8,6% (quý 2 đạt 322,7 nghìn tấn, tăng 11,3%); sản lượng trứng gia cầm 6 tháng đạt gần 7 tỷ quả, tăng 11,4% (quý 2 đạt 3,4 tỷ quả, tăng 12,3%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê