Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.161 VND/USD (giảm 15 đồng so với cuối tuần qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.400 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Tỷ giá USD hôm nay tiếp tục giảm tại đa số ngân hàng so với cuối tuần qua, Ngân hàng SCB giảm 155 đồng giá mua và giảm 215 đồng giá bán xuống mức 23.110 – 23.260 VND/USD. Ngân hàng Á Châu giảm 40 đồng giá mua nhưng tăng 290 đồng giá bán lên mức 23.220 – 23.800 VND/USD. DongA bank không đổi giá mua nhưng giảm 275 đồng giá bán xuống mức 23.090 – 23.280 VND/USD. VPBank không đổi giá mua nhưng giảm 10 đồng giá bán ở mức 23.100 – 23.480 VND/USD. Riêng Vietcombank tăng 10 đồng cả hai chiều mua bán lên mức 23.180 – 23.490 VND/USD,
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.090 – 23.265 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.260 – 23.820 VND/USD. Trong đó, Ngân hàng HSBC có giá mua USD cao nhất và ngân hàng SCB có giá bán USD thấp nhất.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 24.150 đồng/USD và bán ra 24.230 đồng/USD, giá mua giảm 200 đồng và giá bán giảm 180 đồng so với cuối tuần qua.
Tỷ giá USD ngày 01/8/2022
ĐVT: đ/USD

Tỷ giá USD ngày 01/8/2022 tiếp tục giảm ngày đầu tuần

USD quốc tế giao dịch ở mức thấp
USD Index hiện ở mức 105,82 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,04% ở mức 1,0223. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% ở mức 1,2178. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,14% ở mức 133,05.
Theo Investing, đồng USD mở phiên tuần mới ở mức thấp trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về suy thoái kinh tế sau một loạt dữ liệu kinh tế không mấy khả quan cuối tuần trước. Cụ thể, các số liệu kinh tế của Mỹ cho thấy lạm phát tiếp tục tăng nóng trong tháng 6, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ nếu thấy cần thiết.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 1% trong tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2005 sau mức tăng 0,6% trong tháng 5. Như vậy trong vòng 12 tháng qua đến nay, chỉ số giá PCE đã tăng 6,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1982. Chỉ số chi phí việc làm (ECI) cũng tăng với 1,3% trong quý II sau khi tăng 1,4% trong quý I. Chỉ số này được nhiều người coi là một trong những thước đo tốt hơn về sự “chùng xuống” của thị trường lao động và là một yếu tố dự báo lạm phát cơ bản.
Đồng bạc xanh ban đầu tăng do thông tin về lạm phát, nhưng ngay sau đó đã “đổ dốc” khi báo cáo cuối cùng của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng nước này đã giảm trong tháng 7. Yếu tố này quan trọng phần vì Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đề cập vào tháng trước rằng cuộc khảo sát Michigan như một chìa khóa đằng sau sự xoay chuyển đối với quan điểm lãi suất quyết liệt hơn.
Phần còn lại là áp lực từ dữ liệu cho thấy chỉ số sản xuất Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong 23 tháng là 52,1 so với mức thấp trước đó là 56, theo Action Economics.
Karl Schamotta, chiến lược gia tại Corpay ở Toronto, cho rằng thị trường đang chuẩn bị cho một thời kỳ mà lạm phát và tốc độ tăng trưởng giảm dần. Báo cáo việc làm Mỹ vào tuần tới được cho là một chất xúc tác có khả năng gây biến động nếu việc tạo việc làm chậm hơn dự kiến.
Sau dữ liệu vào thứ 6, thị trường kỳ hạn lãi suất đã định giá 72% cơ hội tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 9 của Fed và 28% xác suất tăng 75 điểm phần trăm. Lãi suất cho vay được dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 2/2023.

Nguồn: Vinanet/VITIC