Những diễn biến trái chiều
Hiện USD đang có diễn biến tệ nhất trong nhóm 10 đồng tiền lớn nhất thế giới tính từ đầu năm đến nay với mức giảm tổng cộng khoảng gần 10% so với các đồng tiền chủ chốt khác. Ngoài ra, nhiều nhân tố đang không hỗ trợ cho đà tăng giá của đồng USD.
Trước hết, mặc dù nền kinh tế Mỹ đã hoạt động tốt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ-Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong những tháng cuối năm, tuy nhiên hiện các nhà đầu tư vẫn còn tranh cãi về thời điểm và cách thức thực hiện chính sách này.
Theo Alan Ruskin - chiến lược gia của Deutsche Bank, vấn đề lớn nhất của USD là nó không thể trông mong vào sự giúp đỡ từ Fed trong thời gian sắp tới. Dù Fed bắt đầu tăng lãi suất khá sớm so với nhiều nền kinh tế khác, Fed được dự báo sẽ phải bám sát diễn biến của lạm phát trước khi tiếp tục tăng lãi suất. Sự thận trọng này tạo áp lực giảm giá lên đồng USD.
Ngoài ra, cho đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đưa ra các kế hoạch chi tiết về cải cách thuế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng - hai trong số những cam kết quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử của ông. Điều này cùng với một số vụ “bê bối” tại Nhà Trắng đã làm cho các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại khi tiến hành đầu tư vào đồng USD so với các loại ngoại tệ khác.
Trong khi đó, đồng euro lại có sự tăng giá mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đặc biệt, vào ngày 28/8 vừa qua, đồng tiền chung này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm rưỡi so với đồng USD trước những nghi ngại về sức mạnh của đồng bạc xanh, đồng thời sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đưa ra bài phát biểu tuần trước tại Hội nghị các Thống đốc Ngân hàng Trung ương ở Jackson Hole mà chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) tại khu vực.
Sự im lặng của ông Draghi về tỷ giá đồng euro được giới đầu tư xem là tín hiệu cho thấy ECB sẵn sàng để cho euro tăng giá cao hơn, dù điều này có thể gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu trong khu vực Eurozone.
Ngoài ra, một loạt các số liệu kinh tế tích cực, bao gồm việc công bố các chỉ số PMI của các nhà quản lý mua hàng tốt hơn dự kiến và thặng dư tài khoản vãng lai lớn ở một số nền kinh tế khu vực đồng euro đã tiếp thêm động lực thúc đẩy các nhà đầu tư đổ thêm tiền vào đồng euro.
Về phía các yếu tố chính trị, theo Andrew Sheets, trưởng bộ phận chiến lược giao dịch tài sản chéo tại Morgan Stanley, sự đẩy lùi chủ nghĩa dân túy - vốn đe dọa đến sự ổn định của Liên minh châu Âu (EU) - sẽ góp phần hỗ trợ cho đồng euro trong nhiều năm tới.
Theo chia sẻ của ông Sheets, tâm điểm chú ý của thị trường trong thời gian tới sẽ là ý tưởng rằng các nước chủ chốt của châu Âu là Pháp và Đức đang đồng lòng hướng về một EU mạnh hơn bằng cách đẩy mạnh cải cách và đây là một yếu tố tích cực đối với đồng euro.
Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro chính trị tại khu vực có thể ảnh hưởng tới sức bật của đồng euro trong thời gian tới. Theo Viktor Nossek, Giám đốc nghiên cứu tại Wisdom Tree, cuộc bầu cử ở Ý vào năm 2018 với những lo ngại về sự trỗi dậy tiếp tục của các phong trào dân túy có thể là một vấn đề cho khu vực đồng euro.
“Mối đe dọa” với các công ty châu Âu
Sự thay đổi vị thế của hai đồng tiền chủ chốt đang tạo ra nhiều áp lực đối với các nhà điều hành chính sách của ECB. Khi đồng euro tăng mạnh so với đồng USD, hàng hóa của châu Âu trở nên đắt hơn và điều này có thể tác động đến xuất khẩu của khu vực đồng tiền chung. Động lực kinh tế trong khu vực đồng euro thời gian qua phần nhiều là nhờ sự gia tăng xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường hàng đầu của các quốc gia trong khu vực, do đó sự thay đổi vị thế của hai đồng tiền phần nào đe dọa đến triển vọng hồi phục của khu vực.
Ngoài ra, sự gia tăng liên tục của đồng euro cũng ảnh hưởng đến vị thế điều hành chính sách của ECB. Euro mạnh sẽ làm gia tăng áp lực giảm phát tại khu vực vào thời điểm ngân hàng trung ương đang muốn đẩy lạm phát đi lên đúng mức mục tiêu đề ra.
Theo Axel Riedel, người đứng đầu SPDR ETFs Đức tại State Street Global Advisors trả lời phỏng vấn CNBC, bài phát biểu của ông Draghi tại cuộc họp Jackson Hole hôm thứ 6 vừa qua đã đề cập chủ yếu đến các quy định và cải cách tài chính thay vì phát biểu những định hướng điều hành CSTT trong khu vực. Rõ ràng thị trường sẽ phải tiếp tục chờ đợi đến cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 9 tới để xác định rõ đường đi CSTT của khu vực EU trong thời gian tới.
Hiện tại, thị trường đang hy vọng ECB sẽ phát đi các thông điệp rõ ràng hơn về việc giảm bớt các gói kích thích tiền tệ trong cuộc họp vào tháng 9 tới.
Hiện tại, đà tăng trưởng kinh tế đã được củng cố và rủi ro chính trị giảm bớt trong khu vực đang gây áp lực lên ECB để bắt đầu cắt giảm dần các chương trình nới lỏng định lượng (QE). Tuy nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng đối với Chủ tịch ECB ông Draghi khi vừa đứng trước áp lực cắt giảm mức độ nới lỏng CSTT trong khi lạm phát thấp hơn mục tiêu và đồng tiền chung đang có xu hướng mạnh hơn.

Nguồn: Thoibaonganhang.vn