Phát biểu tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý 4/2023 và năm 2023 ngày 29/12, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, giao tranh ở khu vực Trung Đông đã tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau dịch Covid-19. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng…
Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng… ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của khu vực và thế giới. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế – xã hội nước ta năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, GDP quý 4/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý 4 các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%. Về sử dụng GDP quý 4/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,21%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%.
GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021.
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022; tích lũy tài sản tăng 4,09%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6% so với năm 2022).
“Mặc dù tăng trưởng GDP cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (6,5%) nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Nguồn: haiquanonline