Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm (giai đoạn 2016-2019)
Kỷ lục mới
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 5 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước đó. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với tháng 4/2019.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 101 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2018; tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 101,555 tỷ USD, tăng 10,5%.
Dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 đạt thấp hơn so với cùng kỳ vài năm gần đây, nhưng lũy kế hết tháng 5, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 202,68 tỷ USD, con số kỷ lục trong 5 tháng đầu năm kể từ trước tới nay. Đáng chú ý trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn nhưng tốc độ tăng lại thấp hơn khối doanh nghiệp trong nước.
Hết tháng 5, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 128,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 63% và chỉ tăng 6,5%, trong khi tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 74,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 37% nhưng lại tăng tới 13,1%, gấp đôi tốc độ tăng của doanh nghiệp FDI.
Về cán cân thương mại, sau điệp khúc “xuất siêu, nhập siêu” liên tục thay đổi trong từng tháng, lũy kế hết tháng 5 Việt Nam bị thâm hụt 434 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu là 0,4%. Tuy vậy, con số thâm hụt thương mại và tỷ lệ nhập siêu này vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ một số năm trước.
Cán cân thương mại và tỷ lệ nhập siêu của 5 tháng giai đoạn 2015-2019
Trị giá và tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường trong 5 tháng/2018 và 5 tháng/2019
Những đột biến “xuất, nhập” ở thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc
Hiện nay, Việt Nam xuất siêu lớn nhất sang Hoa Kỳ lên tới 17 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và cũng bị thâm hụt nhiều nhất lên đến 16,3 tỷ USD, tăng mạnh tới trên 47%.
Cụ thể về thị trường xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh, còn hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm tốc, thậm chí bị suy giảm như Trung Quốc, Hồng Kông, Đức, Hà Lan…
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 22,7 tỷ USD, chiếm hơn ¼ tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Tốc độ tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 5 tháng đạt 29%, cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng 10,3% của cùng kỳ năm trước.
Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,6 tỷ USD, bị suy giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thị trường Hồng Kông giảm 18,4%; Hà Lan giảm 9,4%; Đức giảm 2,3%...
Ở một thị lớn khác là Hàn Quốc dù đạt kim ngạch 7,7 tỷ USD nhưng chỉ tăng 7%, trong khi tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 lên đến 31,5%...
Về thị trường nhập khẩu, 5 tháng đầu năm nay riêng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lên đến 29,9 tỷ USD, tăng mạnh 20,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Các thị trường đáng chú ý khác có thể kể đến như: Hàn Quốc đạt 19,1 tỷ USD, tăng 0,7%; Hoa Kỳ đạt 5,7 tỷ USD, tăng 22%; Nhật Bản đạt 7,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4%...
Xét về yếu tố mặt hàng, dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở các nhóm hàng như: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,45 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1,26 tỷ USD; giày dép các loại tăng 864 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 636 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 427 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 423 triệu USD…
Trong khi nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới hơn 3,3 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng gần 2 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 1,2 tỷ USD; dầu thô tăng 1,3 tỷ USD và than đá tăng 659 triệu USD...
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng có đóng góp lớn nhất 5 tháng/2018 và 5 tháng/2019
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng có đóng góp lớn nhất và mặt hàng giảm mạnh xăng dầu các loại 5 tháng/2018 và 5 tháng/2019
Nguồn: Baohaiquan.vn