Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... lại không mong đợi nhận được số lượng lớn ngay ở đợt đầu.
Australia đã đồng ý mua 135 triệu liều vắc-xin (gồm 34 triệu từ AstraZeneca, 40 triệu từ Novavax, 10 triệu từ Pfizer và 51 triệu từ CSL Ltd), ngoài ra còn nhận 3,8 triệu liều do AstraZeneca theo dự kiến sẽ giao vào tháng 1 và 2/2021.
Nhật Bản cũng có các thỏa thuận mua 490 triệu liều vắc-xin (gồm 120 triệu liều từ Pfizer/BioNTech trong nửa đầu năm 2021, 250 triệu từ Novavax và 120 triệu từ AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều đầu tiên sẽ đến vào tháng 3/2021). Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang đàm phán với Johnson & Johnson và thỏa thuận với Shionogi & Co. Các chuyên gia cho biết các nhà sản xuất vắc-xin cần phải tiến hành ít nhất 1-2 giai đoạn thử nghiệm ở Nhật Bản trước khi xin phê duyệt.
Trong khi đó, Trung Quốc chưa công bố các hợp đồng cung ứng với các nhà sản xuất thuốc phương Tây, thay vào đó họ đã hợp tác với các công ty tư nhân. Vắc-xin của AstraZeneca có thể được phê duyệt tại Trung Quốc vào giữa năm 2021 và đối tác Trung Quốc Shenzhen Kangtai Biological Products lên kế hoạch sản xuất ít nhất 100 triệu liều vào cuối năm 2020. Trung Quốc cũng đã phê duyệt ba loại vắc-xin do Sinovac và Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước phát triển cho chương trình sử dụng khẩn cấp, và Sinopharm hy vọng hai ứng cử viên của mình sẽ được cấp phép để sử dụng chung trong năm nay.
Đài Loan (Trung Quốc) đặt mục tiêu ban đầu là đảm bảo khoảng 15 triệu liều, cả thông qua chương trình COVAX (Giải pháp tiếp cận vắc xin Covid-19 toàn cầu) và mua trực tiếp từ các nhà sản xuất vắc-xin, và có thể mua thêm 15 triệu liều. Đài Loan cho biết họ hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng vào quý đầu tiên của năm 2021.
Hàn Quốc đặt mục tiêu đảm bảo vắc-xin cho 10 triệu người từ COVAX và 20 triệu người từ các thỏa thuận riêng biệt với các nhà sản xuất thuốc khác vào cuối năm nay. Nước này có thỏa thuận “Mua tùy chọn” với COVAX, cho phép chọn vắc-xin từ các nhà sản xuất vắc-xin cụ thể.
Theo các quan chức y tế Hàn Quốc, thời gian mua sắm và số lượng phụ thuộc vào tiến độ sản xuất của những loại vắc-xin đó. Việc tiêm chủng có thể sẽ bắt đầu vào quý 2/2021 để có thêm thời gian quan sát các tác dụng phụ tiềm ẩn.
Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia COVAX và được GAVI COVAX AMC cam kết hỗ trợ dù vắc-xin từ COVAX chỉ bao phủ 20% dân số và phải tìm kiếm các thỏa thuận riêng biệt với các nhà cung cấp do nhu cầu rất cao.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin trên thế giới, và đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” cho người Việt Nam. Các nhà sản xuất trong nước đã được Bộ Y tế sát sao chỉ đạo tăng cường các hoạt động nghiên cứu này.
Philippines đang đàm phán với AstraZeneca để được cung cấp ít nhất 20 triệu liều vắc-xin được giao tới nước này vào quý 2 năm 2021. Philippines hy vọng sẽ chốt đơn được tổng cộng 60 triệu liều, đồng thời cũng đang đàm phán với Pfizer và Sinovac. Các nhà sản xuất vắc-xin có thể xin phê duyệt với các cơ quan quản lý của đất nước ngay cả khi không có thử nghiệm lâm sàng nào được thực hiện ở Philippines.
Indonesia là một trong những quốc gia được xếp vào danh sách 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, đồng nghĩa với việc họ có quyền tiếp cận với vắc-xin thông qua COVAX cho 20% dân số, tương đương khoảng 106-107 triệu liều nếu mỗi người được tiêm hai mũi. Indonesia đang thử nghiệm vắc-xin Sinovac và chuẩn bị bắt đầu tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu khác vào đầu tháng 1/2021.
Ấn Độ sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin AstraZeneca vào cuối năm nay, trước khi được phê duyệt để triển khai đầy đủ vào tháng 2 hoặc 3 năm sau. Nước này cũng dự kiến một loại vắc-xin do chính phủ tài trợ sẽ được tung ra thị trường sớm nhất là vào tháng 2/2021, trong khi nước này đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối đối với Sputnik V.
Bangladesh đã ký một thỏa thuận với Serum của Ấn Độ để mua 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca. Một quan chức cấp cao của Bộ Y tế nước này cho biết, họ cũng dự kiến sẽ nhận được 68 triệu liều từ GAVI với giá ưu đãi.

Nguồn: VITIC/Reuters