Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho hay, Cục đã xác định rất nhiều nội dung quan trọng cần phải thực hiện trong thời gian sắp tới; trong đó nhiệm vụ chính là tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đến thời điểm này, việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cơ bản được sự đồng ý về mặt chủ trương của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian tới, những thủ tục liên quan đến việc sửa đổi Luật sẽ được thực hiện theo đúng các quy định liên quan.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hoá tại siêu thị. Ảnh minh hoạ
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong quá trình sửa đổi một loạt những nội dung, tồn tại, hạn chế của Luật sẽ được xem xét, đánh giá toàn diện, chi tiết để tiếp thu được nhiều ý kiến tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội. Cùng với đó là ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng tổ chức xã hội nhằm giúp những quy định về pháp luật phù hợp với thực tiễn và thêm chính sách thúc đẩy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kết, đánh giá quá trình gần 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí cao về kết quả bước đầu qua sự thay đổi tích cực về mặt nhận thức của các chủ thể trong nền kinh tế - xã hội đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đã được thực hiện rất đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và hình thành được một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, nhờ sự hỗ trợ rất đắc lực nhờ mạng lưới 56 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước trong việc hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, thực hiện thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền không chỉ nâng hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam mà trong khu vực cũng như quốc tế đánh giá cao.
Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, một trong những kết quả rất nổi bật là việc xây dựng và đưa vào vận hành tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số miễn phí cước gọi đến 18006838.
Thế nhưng, năm 2020 mặc dù có tới 11.211 cuộc gọi tới tổng đài của Bộ Công Thương nhưng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ có thể tiếp nhận và trả lời được khoảng 80 - 90% cuộc gọi đến. Đây là con số khá cao so với khoảng 60% cuộc gọi tới được trả lời vào giai đoạn 2015-2019.
Số lượng cuộc gọi này cho thấy, việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng tăng lên cùng với năng lực xử lý tại các cơ quan quản lý nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tồn tại chưa được xử lý hết.
Thực tế cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nhiều bởi một số doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đầy đủ, chính xác những quy định pháp luật về vấn đề này.
Nguyên nhân do một số đơn vị, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, năng lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều tồn tại, hạn chế mà không có một giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tăng mức độ tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng./.

Nguồn: Bnews