Phiên giao dịch ngày 16/5, chỉ số VN-Index mất gần 11 điểm (0,79%) do mất lực đỡ từ nhóm VN30. Tuy nhiên, thị trường lại chứng kiến sự bùng nổ của cổ phiếu ngành đường cả về giá và thanh khoản.
Trong đó, cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum và LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn ghi nhận tăng trần. Cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi tăng gần 6,9%, cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La tăng hơn 6,2%.
Ông lớn ngành đường là CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT) cũng không nằm ngoài xu hướng khi cổ phiếu tăng hơn 2,9% với thanh khoản đột biến hơn 5,2 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ngành đường bùng nổ sau thông tin thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường Thái Lan - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngành đường bùng nổ sau thông tin thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đường Thái Lan. 
Cổ phiếu ngành đường hút dòng tiền sau thông tin Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) chính thức một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo quyết định, việc áp thuế được áp dụng cho tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế CBPG chính thức là 42,99% và mức thuế CTC chính thức là 4,65%. Tổng cộng hai loại thuế này là 47,64%.
Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021. Thời hạn áp dụng là 5 năm kể từ ngày quyết định chính thức có hiệu lực.
Chính thức áp thuế CBPG, CTC đường Thái Lan lên hơn 47%ĐỌC NGAY
Trong một báo cáo của SSI Research vừa công bố, cho rằng các nhà máy đường có lợi thế về quy mô trong sản xuất đường RS và RE như QNS và SBT sẽ có lợi thế về giá thành hơn so với các nhà máy nhỏ, do đó các công ty này sẽ được hưởng lợi hơn từ chính sách mới.
Chính sách thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan được SSI Research nhận định sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài.
"Chính sách này là một sự kiện có tính chất bước ngoặt cho ngành đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường trong nước như SBT, QNS, LSS, SLS và cho rằng 5 năm là thời gian dài giúp chuỗi cung ứng đường trong nước phục hồi và phát triển bền vững hơn", báo cáo của SSI Research nhận định.
Đồng quan điểm, trong báo cáo ngành đường cuối tháng 3 của Chứng khoán BSC cũng đánh giá thuế CBPG và CTC sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa hồi phục trở lại sau khi chịu cạnh tranh về giá từ đường Thái Lan từ đó tăng lại sản lượng sản xuất và thu hẹp lại khoảng cách giá đường thế giới và Việt Nam.

Nguồn: vietnambiz.vn/